Giáo dục - Học Đường

Đa dạng phương pháp hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT

Thứ Sáu, 31/03/2023 | 15:05

Hiểu được những áp lực mà học sinh (HS) cuối cấp phải đối diện trên hành trình “vượt vũ môn”, thầy cô giáo các trường THPT trên địa bàn tỉnh luôn tìm mọi phương cách để giúp các em có tâm lý thoải mái trong học tập, ôn luyện. Trong đó, việc đa dạng hóa phương pháp giảng dạy, ôn thi được các thầy cô ưu tiên hàng đầu.

Tiết ôn tập môn Lịch sử của cô Lê Thị Giàu khuyến khích học sinh cùng tương tác.

Thấu hiểu tâm lý học trò

Nhiều năm gắn bó với HS cuối cấp, hơn ai hết, cô Lê Thị Giàu (Tổ phó Tổ Văn - Sử - GDCD, Trường THPT Gành Hào, huyện Đông Hải) hiểu rất rõ tâm lý, cũng như những áp lực của học trò lớp 12. Cô luôn đặt mình vào vị trí của HS để cảm thông, thấu hiểu, cũng như áp dụng những phương pháp truyền thụ riêng để đạt hiệu quả cao nhất. Cô từng chia sẻ: “HS khối 12 không chỉ áp lực với khối lượng kiến thức phải học để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, mà các em còn phải cân nhắc để lựa chọn trường, ngành nghề mình sẽ theo đuổi trong tương lai. HS vùng ven biển thị trấn Gành Hào đa số rất đơn thuần, bởi vậy trong những giai đoạn quan trọng như lúc này các em rất cần sự quan tâm, đồng hành của thầy cô”. 

Thế là, trong các tiết học, ôn luyện của mình, cô luôn cố gắng giảm bớt căng thẳng, áp lực, tạo tâm lý thoải mái, phấn khởi cho HS bằng cách đa dạng các phương pháp học, tiếp cận theo hướng trực quan, sinh động, lấy HS làm trung tâm. Bên cạnh đó, trong những giờ hệ thống hóa lại kiến thức, sửa bài tập, hay cập nhật những dạng bài mới, cô thường dùng trò chơi, hình ảnh trực quan thông qua các video, tranh ảnh, hoặc xây dựng một số tình huống giả định có liên quan đến bài học, ôn tập… giúp HS tiếp thu nhanh, dễ dàng khắc sâu kiến thức.

Cũng với phương pháp của cô Giàu, nhiều giáo viên có thâm niên trong công tác giảng dạy, ôn thi tốt nghiệp THPT còn chia sẻ thêm việc tiến hành các bài kiểm tra nhỏ để đánh giá chuẩn kiến thức của HS sau bài học, bài ôn. Theo đó, các thầy cô sẽ cho HS chấm chéo, đánh giá bài làm lẫn nhau, từ đó sẽ giúp các em rút ra kinh nghiệm làm bài, nhận định đề cho bản thân. Không chỉ vậy, sau một thời gian học, ôn luyện, các thầy cô còn cho HS làm bài tập để đánh giá năng lực, sau đó phân nhóm HS để giảng dạy sao cho hiệu quả.

Với phương châm “không để bất kỳ HS nào bị bỏ lại phía sau trong học tập, ôn thi”, thầy cô các trường còn giao bài tập phù hợp với năng lực, khả năng cho những HS trung bình, yếu để không tạo cảm giác chán nản, buông xuôi trong quá trình học; kèm theo đó còn là những lời động viên, cộng điểm khuyến khích giúp các em thêm phấn chấn, nắm chắc kiến thức cơ bản. Khi nhóm HS này đã hiểu, nắm chắc kiến thức cơ bản thì các thầy cô bắt đầu triển khai làm các dạng bài tập nhận biết, thông hiểu, rồi đi đến các dạng bài vận dụng.

Giờ ôn tập môn Toán của thầy, trò Trường THPT Phan Ngọc Hiển (TP. Bạc Liêu). Ảnh: Đ.K.C

Tăng cường hỗ trợ ngoài giờ

Không chỉ đa dạng phương pháp giảng dạy, ôn tập, thầy cô các trường còn tận dụng tối đa các tính năng, tiện ích của mạng xã hội để tạo thuận lợi trong việc hướng dẫn, định hướng HS ôn tập tại nhà, trong đó các thầy cô ưu tiên tạo các nhóm Zalo để tương tác, hỗ trợ.

Ông Đặng Thành Lực - Hiệu trưởng Trường THPT Ninh Quới (huyện Hồng Dân), bày tỏ: “Bên cạnh việc theo sát chương trình giảng dạy, ôn luyện chính khóa thì quá trình tự học ở nhà cũng đóng vai trò quan trọng, quyết định sự thành công của HS. Vì vậy, để hỗ trợ tối đa cho HS, trường khuyến khích giáo viên chủ nhiệm, bộ môn thành lập các nhóm Zalo để giao bài tập, sửa bài, hướng dẫn HS những phần kiến thức các em chưa hiểu trên lớp, hoặc gặp vướng mắc để cùng nhau giải quyết thông qua nhóm này. Không chỉ vậy, tranh thủ thời gian giải lao, các thầy cô còn hướng dẫn tận tình, chia sẻ cho HS lớp 12 những website chính thống, phần mềm hỗ trợ ôn thi hiệu quả… Cách làm này đã giúp trường nhiều năm qua duy trì tỷ lệ đậu tốt nghiệp 100%, nhiều em đậu cao vào các trường đại học có tiếng trên cả nước”.

Đồng hành nhiều năm với HS cuối cấp, các thầy cô đều có chung quan điểm là bản thân giáo viên nên chủ động hỏi han, tương tác với học trò, thay vì chờ các em tương tác. Bởi lẽ có không ít HS luôn mang tâm lý e ngại, nhất là những em HS yếu, luôn tự ti, mặc cảm về bản thân. Thế nên trong các tiết học, ôn luyện, các thầy cô luôn chủ động hỏi, mời các em tương tác để các em mạnh dạn hơn trong chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình ôn luyện. Chính sự quan tâm xuất phát từ trái tim ấy đã giúp nhiều em thêm mạnh dạn, tự tin, chủ động trao đổi với giáo viên hơn. Từ đà này, giáo viên nên tận dụng để hướng dẫn các em nắm chắc kiến thức cơ bản thông qua từ khóa, từ trọng tâm. Sau đó nhích dần kiến thức, những câu hỏi liên quan đến phần nhận biết, thông hiểu và dần dà bắt nhịp với những câu hỏi khó “nhằn” hơn.

“Mưa dầm thấm lâu”, sự nhiệt thành, tâm huyết hỗ trợ của thầy cô ngoài những giờ lên lớp chắc chắn sẽ là liệu pháp hiệu quả để học trò cuối cấp vững tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sắp đến.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.