Đời sống - Xã hội
Chính sách thiết thực giúp người dân từng bước thoát nghèo
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương trong tỉnh luôn triển khai kịp thời nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, qua đó góp phần giúp người dân từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Bàn giao nhà tình thương cho người dân xã Vĩnh Trạch (TP. Bạc Liêu).
Chăm lo toàn diện cho người nghèo
Tăng cường công tác truyền thông, tranh thủ các nguồn lực từ Nhà nước đến xã hội hóa hỗ trợ nhà tình thương, vốn, phương tiện sản xuất, thực hiện các mô hình sinh kế; tích cực đưa các chương trình, nguồn vốn vay ưu đãi đến với hộ nghèo, cận nghèo, giúp họ vươn lên; quan tâm tạo điều kiện để hộ nghèo nâng cao thu nhập và cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản… Đó là những hoạt động thiết thực, ý nghĩa của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã thực hiện trong thời gian qua để hỗ trợ người dân từng bước thoát khỏi ngưỡng nghèo.
Thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông Nguyễn Văn Sin (xã Phong Thạnh Tây, TX. Giá Rai) như: ít đất sản xuất, không nghề nghiệp, thu nhập bấp bênh… nên địa phương đã tạo điều kiện cho vợ chồng ông tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ con giống (dê, tôm càng xanh), ngoài ra còn hỗ trợ tiền cất nhà… Có vốn đầu tư sản xuất, có nhà ở kiên cố, chính quyền địa phương đã tiếp thêm nghị lực để gia đình ông Sin vươn lên bằng chính sức lao động của mình. Có thể nói, đây là một trong số những hộ thoát nghèo khi có sự kết hợp giữa 3 yếu tố: sự hỗ trợ vốn của Nhà nước, sự đồng hành của chính quyền cơ sở và sự nỗ lực vượt qua mọi khó khăn của bản thân để thoát nghèo.
Tùy vào hoàn cảnh cụ thể của từng hộ mà chính quyền các địa phương có giải pháp hỗ trợ kịp thời. Không chỉ giúp phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững thông qua việc hướng dẫn cách làm ăn, hỗ trợ phương tiện sản xuất, vốn…, mà còn giúp những hộ gặp khó khăn về nhà ở có điều kiện an cư. Như trường hợp của bà Ong Thị Tế (khóm 1, Phường 1, TP. Bạc Liêu), dù cả đời làm lụng vất vả, lam lũ nhưng bà vẫn không có điều kiện để cất được căn nhà kiên cố. Ngoài giúp bà Tế thực hiện ước mơ có được căn nhà lành lặn không còn cảnh mưa tạt gió lùa ở tuổi xế chiều, UBND Phường 1 còn thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ con trai bà sang Hàn Quốc làm việc theo hợp đồng để có nguồn thu nhập khá hơn.
Hay như trường hợp của chị Thạch Thị Yến Dung (xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu), do điều kiện sức khỏe nên không thể lao động nặng, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều trông chờ vào số tiền làm thuê ít ỏi của chồng chị. Cũng vì vậy mà căn nhà trú ngụ đã xuống cấp nghiêm trọng, song gia đình không có điều kiện sửa chữa hay cất mới. Chia sẻ với khó khăn của gia đình chị Dung, UBND xã Vĩnh Trạch đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng căn nhà kiên cố, đồng thời hỗ trợ chị 10 triệu đồng mở gian hàng tạp hóa nhỏ, giúp chị có nguồn thu mỗi ngày, nhờ đó đời sống kinh tế gia đình cũng ổn định hơn.
Hỗ trợ tôm giống cho người dân xã Vĩnh Trạch.
Ông Nguyễn Văn Sin đầu tư mô hình chăn nuôi dê. Ảnh: T.Q
Nhiều giải pháp hỗ trợ người nghèo
Xác định để từng bước giảm nghèo cần có những giải pháp hỗ trợ người nghèo sát sườn, thực tế hơn, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã chọn cách tiếp cận mới về giảm nghèo - đó là giúp người nghèo tự lực vươn lên, giảm dần việc “cho trực tiếp, cho không”, thay vào đó là “trao cần câu hơn cho xâu cá”. Các chính sách về giáo dục, y tế, phát triển sản xuất, tín dụng ưu đãi… đã đến với từng hộ nghèo, cận nghèo, giúp đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo trên địa bàn không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm.
Ngoài ra, hằng năm, tỉnh luôn duy trì việc thực hiện có hiệu quả phong trào doanh nghiệp và đảng viên nhận giúp đỡ hộ nghèo, cận nghèo. Đi cùng với việc động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội, từ năm 2021 đến nay, đã có 6.339 hộ được giúp đỡ làm ăn với số tiền trên 32 tỷ đồng.
Các sở, ngành, địa phương cũng chủ động cụ thể hóa Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025 thành chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình đơn vị, điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) tại địa phương, lồng ghép và gắn với các chương trình phát triển bền vững KT-XH của tỉnh. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, các địa phương còn huy động thêm các nguồn vốn khác từ cộng đồng, tạo điều kiện để người dân sớm thoát nghèo. Ngoài ra, các mô hình của hội, đoàn thể triển khai cũng đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo như: mô hình may gia công, đan đát, tổ hùn vốn - tiết kiệm, mô hình nuôi heo đất tiết kiệm, hỗ trợ vốn sinh kế, mô hình “Ngôi nhà xanh”...
Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, tiếp sức hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo có điều kiện phát triển các mô hình sinh kế, thoát nghèo bền vững, từ năm 2022 - 2023, thông qua nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã giúp trên 33.000 lượt hộ vay với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, các hộ đã đầu tư mô hình mua bán nhỏ, chăn nuôi, làm rẫy… Việc triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các địa phương đạt nhiều kết quả tích cực, giúp người nghèo được cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập. Một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin…). Từ đó, góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1% vào cuối năm 2025.
Chương trình mục tiêu quốc giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã góp phần cải thiện và nâng cao cuộc sống của người dân. Các hộ nghèo, cận nghèo còn được chăm lo sát sao, được hỗ trợ theo nhu cầu phù hợp với điều kiện và nguyện vọng nên có động lực từng bước vươn lên thoát nghèo, hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo, vượt lên mức sống tối thiểu, được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều mới. Nhiều hộ không chỉ thoát nghèo bền vững, có thu nhập ổn định mà còn trở thành hạt nhân tích cực trong phát triển kinh tế ở địa phương.
Minh Luân
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri 2 huyện Hồng Dân và Phước Long
- Họp Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông - Vận tải
- Hội nghị tập huấn kỹ năng truyền thông chính sách năm 2024
- Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ làm việc với các bộ, ngành, địa phương
- Tổng kết Cuộc thi Nghiên cứu khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học năm học 2024 - 2025