Văn hóa - Nghệ thuật
Tìm về làng quê xưa
Tôi chưa đủ tuổi đời và vốn sống để viết cho thấu đáo về cội nguồn, gốc rễ sâu xa của làng quê xưa cũ. Nhưng trong ký ức tuổi thơ mình, một làng quê truyền thống với những nét đẹp đơn sơ, bình dị vẫn hiển hiện mồn một cấu thành tình yêu thương, nỗi nhớ nhung trong tâm khảm. Tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi con người hình như nó xuất phát từ ngay trong “chiếc nôi” làng quê mình.
Làng quê xưa hay gần gũi hơn trong cách nói, đó là cái xóm cũ của tôi. Cái xóm cách đây đã gần 30 năm mà tôi còn nhớ như in. Hiện lên trong tâm trí tôi mỗi lần nhớ về nơi ấy, đó là ngôi trường với tên gọi trường Võ Tánh. Cô giáo dạy ở đó thì nhiều nhưng tôi nhớ nhất là cô Dung - cô giáo đầu đời, người mẹ hiền thứ hai của chị tôi, của tôi và sau nữa là em trai tôi. Mới gần 5 tuổi đầu, tôi đã được mẹ gửi học dự thính ở ngôi trường làng ấy. Ban đầu chỉ dự thính nhưng rồi thấy trò ham học, cô Dung đã nâng đỡ để tôi thành học trò chính thức của lớp (cho nên sau này đến năm học lớp 9, tôi phải ngồi lại 1 năm vì thiếu tuổi). Nhớ về đoạn ký ức này, tôi trân trọng tình thầy trò biết bao! Cô Dung của chị em tôi thời đó đích thực là người mẹ hiền thứ hai đã giúp chúng tôi làm quen chữ nghĩa bằng cả tình thương yêu. Cho dù trải qua mấy mươi năm, cô giáo ấy vẫn sống trong lòng chị em tôi mỗi khi ngồi dẫn dắt nhau hồi tưởng về tuổi thơ. Ngôi trường Võ Tánh ngày ấy, chắc có lẽ không nhiều người biết rằng bây giờ đã trở thành phố xá sầm uất với những dãy cơ quan khang trang, những tòa nhà san sát, đã mất hẳn dấu vết của một ngôi trường làng nơi xóm cũ. Nhưng, ẩn sâu trong tâm khảm, hình ảnh ngôi trường thân yêu với bao tình thương ở đó thì mãi còn…
Làng quê xưa của tôi đã không còn bởi quá trình đô thị hóa, nó được quy hoạch để trở thành khu trung tâm hành chính của tỉnh bây giờ. Ngôi trường làng không còn, láng giềng xưa cũng tứ tán khắp nơi. Nhưng, những mái nhà năm xưa của ông Hai, ông Ba, ông Tư, của ngoại tôi… thì còn nguyên trong trí nhớ tôi, và tôi tin rằng vẫn còn nguyên trong lòng những láng giềng cũ. Ở xóm ấy, người thì thứ hai, kế cạnh lại thứ ba, thứ tư, ông Ngoại tôi thứ năm, rồi cứ ngẫu nhiên mà họ nhỏ tuổi dần theo thứ hạng được kêu, thế là không bà con ruột thịt gì mà cả xóm thân thiết nhau như người trong dòng họ. Nhà ông bác Hai ở trong xóm đông con, nhưng hai vợ chồng chịu thương chịu khó làm lụng cả đời nuôi các con ăn học thành tài, dựng vợ gả chồng đâu đó đàng hoàng, rồi sau đó cháu chắt đề huề; với láng giềng thì họ luôn sống bằng chữ nhân, chữ nghĩa, gia đình đó trở thành kiểu mẫu để mỗi nhà noi theo. Nhà ai có tiệc cưới xin thì bà bác Hai lại được mời xoay mâm trầu với niềm tin cặp vợ chồng mới sẽ đắp xây mái ấm kiểu mẫu như gia đình bà ấy… Những nhà láng giềng khác, người tốt ở điểm này, người được lòng ở điểm khác nhưng tựu trung lại, những mái ấm gia đình ở xóm cũ của tôi đã thuận hòa từ bên trong, yêu thương và đối nhân xử thế với bên ngoài bằng cái gọi là tình làng nghĩa xóm, nó quý giá vô cùng… Không gặp thì thôi, lâu ngày có đám tiệc gặp nhau, họ lại kể về những năm tháng xa xưa ấy…
Giúp nhau chuẩn bị bánh trái khi có đám tiệc là một trong những cách thể hiện tình làng nghĩa xóm của người dân quê.
Ảnh minh họa: B.T
Gia đình tôi nợ làng quê cũ của mình một món nợ ân tình. Chuyện qua rồi thì mọi người hẳn không để ý nhưng cái ơn ấy gia đình tôi tạc dạ. Năm đó, cha tôi đột ngột qua đời vì bạo bệnh, lại đúng ngày vui nhất của một năm - ngày mùng Một tết! Thế là, cả xóm không ăn tết! Mẹ và chúng tôi gần như ngã quỵ trước nỗi đau mất đi người trụ cột trong gia đình. Mọi chuyện hậu sự của cha, hàng xóm tôi mỗi người một việc, tổ chức thật chu đáo. Ba ngày để cha ở nhà là ba ngày tết mà hôm nào cũng có mặt những người hàng xóm, họ chăm sóc mẹ và các chị em tôi bằng những công việc nấu nướng, tiếp đãi khách, rồi rảnh việc thì động viên, an ủi... Ngày tiễn đưa cha về an nghỉ ở tận quê nội cách đó hơn 30 cây số mà họ cũng chạy xe máy nối đuôi theo. Cái nghĩa, cái tình ấy chúng tôi nhớ mãi!
Không phải ngẫu nhiên tôi ngồi viết lại chuyện làng quê năm cũ của mình, mà tôi thấy ở đó một mô hình kiểu mẫu. Nhà ông bác Hai và nhiều gia đình nữa chính là mẫu hình gia đình truyền thống văn hóa, xóm tôi chính là một kiểu mẫu của thôn xóm, làng quê truyền thống văn hóa và tình nghĩa, cốt cách con người ở đó là cốt cách của con người Nam bộ trọng nghĩa, trọng tình… Tất cả chính là kiểu mẫu của những danh hiệu mà bây giờ chúng ta đang xây dựng: gia đình văn hóa, ấp - khóm, xã - phường đạt chuẩn văn hóa…
Những nhà nghiên cứu về mẫu hình xóm làng, nông thôn truyền thống đã đúc kết như thế này: “Vai trò của gia đình, họ hàng và cộng đồng xóm làng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống người dân. Những quan hệ này được xây dựng và gìn giữ qua các thế hệ bằng nhiều hình thức (hôn nhân, tín ngưỡng, đoàn kết xã hội…), nó gắn bó các thành viên qua các sinh hoạt làng - xã và tạo nên một thứ keo gắn bó các thành viên trong làng - xã với nhau để cùng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống thường ngày hay trước những biến cố lớn về giặc giã, thiên tai. Nó là cái gốc của tình làng nghĩa xóm, là yếu tố gợi nên mối tình quê hương trong lòng người dân đi xa làng”. Xây dựng những mẫu hình văn hóa trong những phong trào lớn như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, dựng xây nông thôn mới, thiết nghĩ phải tạo được chất keo gắn bó từ trong gia đình ra ngoài xóm - ấp, làng - xã, có được chất keo ấy mới có sự đồng tâm hiệp lực để thực hiện những phần việc, tiêu chí còn lại…
Tôi tìm về làng quê cũ của mình là với dụng ý như vậy!
Cẩm Thúy