Giải bài toán đầu tư cho văn hóa

Thứ Sáu, 10/05/2024 | 16:12

>> Bài 2: Loay hoay những điệp khúc buồn  

Bài 3: LINH HOẠT VỚI CƠ CHẾ “MỀM”

Từ sinh hoạt văn hóa dân gian gắn với làng xã, dân ca quan họ Bắc Ninh được đưa vào biểu diễn trong nhà hát chuyên nghiệp. Kịch, cải lương từ trong nhà hát lại được nhiều đơn vị nghệ thuật đem ra phố đi bộ phục vụ khán giả và du khách. Đó là những cách làm để nghệ thuật truyền thống không chỉ được bảo tồn mà còn bắt nhịp với thời đại.

Những vốn quý của văn hóa tồn tại hơn trăm năm vẫn là nguồn dinh dưỡng trong lành cho đời sống tinh thần của công chúng hôm nay nếu có những câu chuyện được nối dài bởi tâm huyết, nỗ lực. Đó cũng là đáp số thuyết phục khi giải bài toán đầu tư cho văn hóa bằng cơ chế “mềm”.

Biểu diễn văn nghệ kỷ niệm 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam tại Nhà hát Cao Văn Lầu.

TRÔNG NGƯỜI LẠI NGẪM ĐẾN TA

Hàng trăm tỷ đồng đã được tỉnh Bắc Ninh đầu tư cho dân ca quan họ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận vào năm 2010. Số tiền lớn được chi cho nhiều phần việc có ý nghĩa lâu dài như: phục dựng nhà chứa quan họ, quy hoạch khu tổ chức lễ hội, đầu tư trang thiết bị cho các câu lạc bộ (CLB) quan họ…

Đảm bảo cơ sở vật chất đi đôi xây dựng đội ngũ kế thừa để nối dài hành trình bảo tồn di sản, hàng trăm làng quan họ thực hành được ra đời ở Bắc Ninh! Ở đó, người ta tổ chức sinh hoạt ca hát dân ca quan họ với những CLB, đội văn nghệ hoạt động thường xuyên; có ít nhất 2 thế hệ tham gia, đặc biệt phải có hoạt động truyền dạy… Với nguồn hỗ trợ 20 triệu đồng/năm từ ngân sách tỉnh, cùng với đóng góp tự nguyện của các thành viên, làng quan họ thực hành mở lớp học “quan họ nhí” truyền dạy cho các em nhỏ sớm có tình yêu với nghệ thuật ông cha truyền lại.

Bạc Liêu cũng có hàng trăm CLB đờn ca tài tử (ĐCTT) với hàng ngàn nghệ nhân, tài tử, nhưng tìm CLB đủ yếu tố nòng cốt và đội ngũ kế thừa vẫn còn hiếm hoi! Việc truyền dạy cũng đã được tổ chức ở một số trung tâm văn hóa, CLB... nhưng thực tế, trao truyền loại hình nghệ thuật này vẫn còn thiếu người dạy và kén người học do nhiều nguyên nhân, trong đó không thể không kể đến việc đầu tư bài bản như cách tỉnh Bắc Ninh đã làm!

Từ năm 2019, Bắc Ninh cũng mạnh dạn đưa dân ca quan họ vào nhà hát để phục vụ người dân và du khách. Đến với Nhà hát dân ca quan họ Bắc Ninh, du khách sẽ được giao lưu với các “liền anh, liền chị” ở không gian đậm bản sắc nghệ thuật!

Lại nhìn về Bạc Liêu, vẫn chưa có một không gian đẹp để nghệ thuật ĐCTT “khoe sắc”! Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu có sân khấu nhỏ chủ yếu để tổ chức liên hoan, hội thảo về ĐCTT. Còn biểu diễn ĐCTT phục vụ du khách ở đây vẫn còn “gói ghém” trong một gian phòng nhỏ hẹp. Du khách đường xa nhiều khi đầm đìa mồ hôi khi tai nghe, tay quạt mà thưởng thức một loại hình di sản tầm nhân loại!

Tất nhiên bất kỳ sự so sánh nào cũng đều khập khiễng, nhưng thiết nghĩ cả dân ca quan họ Bắc Ninh và ĐCTT Nam Bộ đều là di sản văn hóa nhân loại thì cũng nên được bảo tồn và phát huy với cùng một sự trân trọng và tâm huyết như nhau!

Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm 10 năm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ Việt Nam được Tổ chức UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: C.T

TƯ DUY MỚI CHO VĂN HÓA

Từ sinh hoạt văn hóa dân gian gắn với các làng xã nay đưa vào nhà hát, cách làm của Bắc Ninh cũng gây tranh luận một thời gian dài. Cũng tương tự như câu hỏi: ĐCTT Nam Bộ phục vụ trên sân khấu tiện nghi hay chơi ở sân vườn, trên sông nước mới đúng gu?! Hiện nay, môi trường, không gian diễn xướng của các loại hình di sản văn hóa phi vật thể nói chung đã không còn giống hoàn toàn như lúc khởi đầu, phải có sự biến đổi, thích ứng với thời cuộc, chủ yếu là đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng. Lúc ấy, “ứng xử” với di sản văn hóa sao cho đúng, đòi hỏi tư duy mới xuất phát từ tâm huyết để tìm ra cơ chế linh hoạt, phù hợp.

Chẳng hạn như chuyện biểu diễn nghệ thuật trên phố đi bộ! Đó là nỗ lực “giành lại khán giả” trong bối cảnh nghệ thuật truyền thống phải cạnh tranh với những loại hình giải trí muôn hình vạn trạng bây giờ.

Đầu năm 2024, các đơn vị nghệ thuật thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã luân phiên tổ chức biểu diễn phục vụ khán giả tại không gian phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận. Nhà hát Chèo Hà Nội biểu diễn các trích đoạn, tiết mục hát xẩm, hát văn, ca trù, chèo, dân ca và nhạc cổ truyền; Nhà hát Kịch Hà Nội thì có các vở diễn, kịch ngắn, tiểu phẩm... Tất cả đều được mang ra không gian ngoài trời, phố đi bộ để thu hút khán giả. Cải lương cũng được Nhà hát cải lương Hà Nội biểu diễn trước cửa rạp Chuông Vàng, hoặc các phố đi bộ nhằm lan tỏa tình yêu cải lương trên xứ Kinh kỳ.

Trong chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 của Chính phủ có nêu rõ phải bảo đảm quyền tiếp cận, hưởng thụ, tham gia và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân và cộng đồng thông qua các trung tâm văn hóa nghệ thuật cùng với các thiết chế văn hóa khác như bảo tàng, thư viện... Thế thì, đầu tư cho nhà hát, rạp chiếu, nhà văn hóa, bảo tàng, thư viện… là đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nhưng, khi đã xây được những công trình bề thế rồi thì phải tính cách làm phù hợp để “bảo đảm quyền tiếp cận, hưởng thụ, tham gia và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân”, không làm lãng phí việc đầu tư cho văn hóa!

Như đã đề cập, những công trình văn hóa trăm tỷ đồng của Bạc Liêu từng gây bão dư luận, nhưng thời gian đã khẳng định, đó chính là không gian cần có để giữ gìn bản sắc và làm nên hồn cốt văn hóa Bạc Liêu. Nhưng, cũng ở câu chuyện nuôi dưỡng di sản, việc đầu tư thêm một không gian đẹp, xứng tầm để ĐCTT “làm” du lịch thì Bạc Liêu vẫn chưa đáp ứng được dù đã trải qua 10 năm loại hình nghệ thuật đặc sắc này được công nhận di sản thế giới! Với cải lương - món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân, Nhà hát Cao Văn Lầu tuy có nỗ lực sáng đèn nhưng xem đi xem lại những vở cũ, khán giả vẫn trông chờ kịch bản mới mang hơi thở thời đại.

Ở khu vực nông thôn luôn bị phàn nàn thiếu thốn về sân chơi văn hóa, thể thao lành mạnh thì nghịch lý hàng trăm nhà văn hóa ấp, trung tâm văn hóa - thể thao xã, kể cả thiết chế văn hóa cấp tỉnh như bảo tàng, thư viện... được đầu tư hàng loạt mà chưa phát huy hiệu quả sử dụng cũng đòi hỏi tư duy mới cho giải pháp linh hoạt.

Có khá nhiều bài học về cơ chế mềm khi nhìn vào cách nuôi dưỡng, nâng niu những “cội rễ văn hóa” của nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Nên nhìn vào điều kiện thực tế và quan trọng nhất vẫn là xuất phát từ nhận thức đúng tầm vai trò của văn hóa để xây dựng riêng cho địa phương mình những cơ chế linh hoạt trong câu chuyện bảo tồn, phát huy những vốn quý ấy. Đầu tư cho văn hóa không chỉ nghĩ đến tiền mà còn nghĩ đến cách để văn hóa phát huy giá trị, trước hết là giúp văn hóa thẩm thấu, làm cao đẹp tính cách, tâm hồn con người Việt Nam và trở thành niềm tự hào của dân tộc khi có cơ hội khoe hương tỏa sắc.

Tìm đáp số bài toán đầu tư cho văn hóa tuy “nan” nhưng buộc phải “giải” một cách quyết liệt để nguồn lực văn hóa được khơi thông, phát triển, bứt phá, tương xứng với vai trò, vị thế là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững.

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.