Văn hóa - Nghệ thuật
Dìu dặt lời ru
“Má ơi đừng đánh con đau/ Để con bắt ốc hái rau má nhờ…”.
Lâu lắm rồi, tôi mới nghe lại những câu hát ru ấy. Cứ đúng giác này, nhà bà Tư lại vọng sang đây tiếng hát ru con. Mà không, bà Tư đang ru cháu, đứa cháu gọi là… bà cố!
Thời của những người mẹ như bà Tư, họ thường hát ru con ngủ. Những câu hát ru dìu dặt, ngọt ngào bên cánh võng như một liều thuốc bổ dưỡng không chỉ giúp con nhỏ đi vào giấc ngủ êm đềm mà theo khoa học nghiên cứu, còn có thể hình thành dưỡng nuôi nhân cách đẹp cho một con người. Không biết những người đời xưa như bà Tư, bà Bảy, và nội, ngoại tôi… có hiểu sâu xa “tác dụng phụ” của những bài hát ru hay không, chỉ biết rằng họ đã hát ru con bằng cả tấm lòng người mẹ, rồi hát nối tiếp đến thế hệ cháu, chắt mình cũng bằng những lời ru dìu dặt đi cùng năm tháng…
Có những câu hát ru tôi nghe nội tôi ru mấy đứa em tôi, hồi ấy tôi còn nhỏ xíu mà đến bây giờ vẫn nhớ, bà hát rằng “Gió đưa bụi chuối sau hè/ Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ/ Con thơ tay ẵm, tay bồng/ Tay nào xách nước, tay nào vo cơm…”. Dẫu lúc ấy tôi chưa biết gì, nhưng câu hát của bà làm tôi đâm ghét cái chuyện vợ bé vợ mọn, càng lớn tôi mới càng hiểu sâu sắc thân phận người phụ nữ gửi trong câu hát ấy. Thương làm sao những người phụ nữ chịu thương chịu khó đến mức chịu đựng, cam chịu hết những thiệt thòi về mình, và còn lắm câu hát tương tự như thế về thân phận người con gái, người phụ nữ Việt Nam thời phong kiến…
“Chiều chiều dẫn vợ lên rừng/ Bẻ roi đánh vợ biểu đừng… theo trai”, nhiều câu ca dao vui tươi, dí dỏm như thế cũng hóa thành hát ru. Một trưa nọ, bà Tư hát như vầy: “Má ơi con vịt chết chìm/ Con thò tay xuống bắt, con cá lìm kìm nó cắn tay con…”, thằng con tôi bên đây nghe vừa dứt câu, quay qua hỏi tôi liền: “Má má, sao con vịt chết chìm được má? Con cá lìm kìm nhỏ xíu, đâu thấy hàm răng nó đâu mà cắn người ta vậy má?”. Tôi xoa đầu thằng nhỏ trả lời qua quít: “Tại câu hát hát cho vui vậy mà con”. Những lời ru ban trưa của bà Tư cứ làm tôi nhớ về bà cố, bà ngoại, bà nội một thời đã hát ru chúng tôi khôn lớn… Đó cũng là cái nết, cái cách nuôi con khéo léo mà những người phụ nữ hiện đại ngày nay nên tìm về, học hỏi ở người xưa…
Nhật Quỳnh