Văn hóa - Nghệ thuật
Bùng binh!
Thông thường, ở nhiều đô thị miền Nam, khi nói đến vị trí ở giữa một ngã năm, ngã sáu hay ngã bảy gì đó, bà con hay nói đó là cái bùng binh. Ở Bạc Liêu, người ta hay nói đến cái bùng binh dưới dốc cầu quay. Cụ thể, đó là nơi có đặt tượng một con rồng ngay ngã tư đường Trần Phú và Hai Bà Trưng. Trước năm 1975, đường Hai Bà Trưng gồm 2 phần đường: một phía trước khách sạn Du lịch Bạc Liêu hiện nay vốn là một bến xe liên tỉnh; một phía hướng ngược lại vốn có tới 2 con đường gồm Hai Bà Trưng (bên trái) và Lý Tự Trọng (bên phải), ở giữa có một “con lươn” khá rộng (trước có nhà - HĐND tỉnh của chế độ ngụy Sài Gòn, sau đã giải tỏa); sau này, “con lươn” được phá đi, làm cho đường Hai Bà Trưng rộng ra hơn gấp đôi (nhưng chỉ có một đoạn vài trăm mét).
Bùng binh còn là tên gọi địa hình của sông. Theo Đại Nam tự vị (một trong những tự vị tiếng Việt cổ nhất) của Paulus Của (Huỳnh Tịnh Của), “bùng binh” là nơi “khúc sông lớn mà tròn”. Nhưng nếu theo cách hiểu hiện đại thì có phần hơi thiếu. Theo cách hiểu ngày nay, “bùng binh” là nơi khúc sông phình ra và là nơi đổ ra của một số ngọn rạch, xẻo quanh đó (cũng như một số con đường quanh một bùng binh của đường bộ vậy). Do nước nhiều nơi đổ vào (và sẽ ra ở một số ngọn rạch, xẻo nào đó theo hướng đối diện) nên nước ở bùng binh hay bị xoáy và do đó, đây là nơi tụ hội của cá tôm (bị nước đưa đến và chưa thoát ra được khỏi “vòng xoáy” đó).
Trong một vở cải lương, có một nhân vật sĩ quan ngụy tên là Bùng Binh Biền. Trong thực tế, không ai có họ Bùng. Đó là tên giả định do tác giả vở cải lương đặt, hàm ý nói rằng đây là một tên sĩ quan ngụy quê mùa, dốt nát. Cụm từ Bùng Binh Biền gợi cho một số người nghĩ rằng đó là nơi quê mùa, xa lắc, vắng vẻ do liên tưởng đến từ “bưng biền”. Thật ra, 2 cụm từ này chẳng liên quan gì với nhau. Trái lại, dù bùng binh trên đường bộ hay bùng binh ở sông đều là nơi có nhiều xe cộ, hoặc ghe thuyền qua lại. Một số bùng binh ở sông là nơi giáp nước nên ghe thuyền hay đậu lại để nghỉ ngơi…
T.C