Thanh thiếu niên
Khi giới trẻ “sính” hàng ngoại!
Cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt dù đã được triển khai từ nhiều năm nay, nhưng thực tế thì một bộ phận giới trẻ vẫn chưa mặn mà với hàng Việt. Tâm lý “sính” hàng ngoại vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của khá nhiều bạn trẻ.
Nhiều bạn trẻ chen chân mua sắm hàng ngoại giảm giá. Ảnh minh họa: T.L
Hôm rồi có dịp ghé chợ trung tâm Bạc Liêu (phường 3, TP. Bạc Liêu), khi bước vào một gian hàng quần áo, chúng tôi tình cờ nghe được câu chuyện của một người bán hàng còn khá trẻ nói với hai bạn sinh viên: “Mua đi em, hàng của chị là hàng Thái, dù mắc một chút nhưng chất lượng thì ok”. Một trong hai bạn gái hỏi lại: “Có chắc là hàng Thái không chị?”. “Chị đảm bảo, chị chỉ lấy hàng Thái, hàng Quảng Châu thôi. Cũng cùng loại này, em thử mua các chỗ khác xem, chất lượng không tốt như hàng nhập đâu!”, chị chủ gian hàng khẳng định chắc nịch.
Nắm được tâm lý chung của nhiều bạn trẻ thích hàng ngoại nên gần như ở tất cả các điểm quần áo đều thi nhau quảng cáo hàng của mình có xuất xứ từ Thái Lan, Hàn Quốc, Quảng Châu… Trên trang mua sắm online của các bạn trẻ, dù các sản phẩm quần áo, giày dép trong nước sản xuất, nhưng người bán chỉ cần thay nhãn mác “made in Thailand”, “made in Korea”… lập tức thu hút được khách hàng trẻ. Vậy mới nói, tâm lý “sính” hàng ngoại đã “ăn vào máu” của một bộ phận giới trẻ. Không nói gì đến mỹ phẩm có xuất xứ từ nước ngoài, ngay cả các mặt hàng nông sản dù được sản xuất ở Việt Nam nhưng chẳng hiểu sao vẫn phải gắn nhãn mác chữ Thái thì mới… bán chạy: mít Thái, me Thái, chôm chôm Thái…
Ngẫm mà thấy buồn cho nhiều bạn trẻ. Bỗng dưng chợt nghĩ, nếu như tinh thần dân tộc của các bạn trong cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt cũng đồng lòng như phong trào hướng về biển đảo thì có lẽ nền kinh tế của nước ta sẽ được vực dậy nhanh chóng? Chỉ tính riêng thanh niên Bạc Liêu đã chiếm 42% dân số của tỉnh, nhưng tiếc thay các doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể chưa khơi dậy được tinh thần tự tôn dân tộc trong việc sử dụng hàng hóa trong nước của lực lượng đông đảo này. Khi quyết định chọn hàng ngoại, giới trẻ cũng có cái lý riêng của họ. Bạn Xuân Hoàng (khóm 3, phường 5, TP. Bạc Liêu) bày tỏ: “Thời gian qua có nhiều mặt hàng Việt Nam chất lượng cao, tạo được uy tín, nhưng cũng có không ít mặt hàng kém chất lượng. Muốn nhận được sự ủng hộ của người dân thì doanh nghiệp phải tạo được chữ “tín”. Kiếm được đồng tiền chẳng dễ dàng, nên khi chọn mua món đồ nào đó, ai cũng muốn sử dụng bền lâu. Không ai muốn bỏ tiền mua hàng kém chất lượng bao giờ”.
Nhiều bạn trẻ cho rằng mình luôn có tinh thần yêu nước bằng việc hưởng ứng các hoạt động khẳng định “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam” hay những sự kiện tương tự như thế… Tuy nhiên, tình yêu nước không phải chỉ đợi khi đất nước có sự kiện, mà còn thể hiện bằng hành động cụ thể trong đời thường khi mỗi người trẻ biết đặt lợi ích dân tộc, đất nước lên trước lợi ích cá nhân. Câu chuyện về đất nước Hàn Quốc đáng để các bạn trẻ Việt suy ngẫm. Năm 1960, Hàn Quốc là quốc gia nghèo đói, lạc hậu của châu Á, vậy mà 20 năm sau họ có thể đăng cai Olympic thế giới khiến nhiều cường quốc đều phải kinh ngạc. Ngoài những chính sách phát triển kinh tế thì mỗi người dân Hàn Quốc đều đồng lòng trong việc chọn mua hàng nội - dù hàng hóa của đất nước họ khi ấy không mấy chất lượng. Thậm chí học sinh đến lớp cũng được quy định dùng dụng cụ học tập sản xuất trong nước, nếu giáo viên phát hiện có hàng ngoại sẽ viết thư về cho phụ huynh. Và đến bây giờ, khi đã là một trong những nước giàu của châu Á nhưng người dân Hàn Quốc vẫn duy trì thói quen dùng hàng nội địa như là cách họ thể hiện tình yêu đối với đất nước.
Tuấn Anh