Y tế - Sức khỏe

Điều trị cắt cơn và điều trị dự phòng hen phế quản

Thứ Hai, 08/07/2019 | 16:52

Trước đây, việc điều trị triệu chứng, cắt cơn hen là phổ biến. Tuy nhiên, hiện nay điều trị dự phòng là chủ yếu. Mục tiêu của điều trị dự phòng hen phế quản là giúp bệnh nhân không còn cơn hen phế quản, giảm gánh nặng cho người bệnh và giảm được đợt điều trị.

Đoàn y, bác sĩ của Sở Y tế khám chữa bệnh miễn phí cho người dân. Ảnh minh họa: C.K

Các yếu tố dịch tễ nguy cơ khởi phát cơn hen phế quản và cách phòng ngừa:

1. Cơ địa dị ứng có liên quan đến di truyền, có cha hoặc mẹ đã mắc bệnh hen phế quản.

2. Cơ địa mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nhưng không chữa dứt điểm.

3. Hút thuốc lá, thuốc lào, hít khói thuốc: Khói thuốc lá chứa hơn 4.000 hóa chất độc hại gây kích ứng niêm mạc đường hô hấp. Người bị hen có hiện tượng viêm mạn tính ở đường hô hấp, nếu hút thuốc hay hít khói thuốc thụ động từ người hút thuốc sẽ làm tình trạng viêm nặng lên thêm, khởi phát cơn hen cấp. Ngoài khói thuốc lá, người bệnh cũng phải tránh các yếu tố gây kích ứng đường hô hấp như: phấn hoa, mùi thơm, mùi hôi, các loại bụi, hóa chất, lông thú vật, con mạt nhà…

4. Giữ ấm cơ thể, hạn chế ra ngoài khi thời tiết lạnh.

5. Tránh những loại thức ăn dễ gây dị ứng: Những thức ăn dễ gây dị ứng tùy cơ địa mỗi người, có thể là: tôm, cua, nhộng tằm, một số loài hải sản…

6. Cẩn thận khi sử dụng thuốc, dùng thuốc khi thật sự cần và có chỉ định của bác sĩ.

7. Phòng ngừa nhiễm khuẩn đường hô hấp: Mọi người cần rửa tay thường xuyên, tránh xa những người nhiễm cúm, những nơi tập trung đông người, điều trị và cách ly triệt để các ổ nhiễm khuẩn đường hô hấp.

8. Thường xuyên tập thể dục rèn luyện nâng cao sức khỏe:

- Trước khi tập thể dục mọi người cần phải làm ấm cơ thể, xịt thuốc giãn phế quản, môi trường tập tránh không khí lạnh và khô, bài tập thể dục phù hợp với khả năng.

- Trong lúc tập thể dục, bệnh nhân lưu ý thở đường mũi và tập từ từ từng bước, tránh tập gắng sức.

9. Đối phó với ô nhiễm môi trường: Đi ra ngoài cần mặc đủ ấm, đội mũ, quàng khăn và mang khẩu trang.

10. Giữ cho không khí trong nhà sạch sẽ: Sử dụng cửa sổ để giữ cho không khí trong sạch, đóng kín cửa sổ tránh gió lùa. Dọn dẹp đồ đạc trong nhà, tiêu diệt gián và côn trùng, nấm mốc, con mạt nhà.

11. Chuẩn bị kỹ trước khi đi du lịch: Có kế hoạch trước và tư vấn bác sĩ. Chuẩn bị đầy đủ sổ khám bệnh và lượng thuốc mang theo, tránh đi du lịch ở những nơi hoang vắng heo hút, miền núi, hải đảo khó tiếp cận dịch vụ y tế.

12. Điều trị tận gốc hen phế quản: Theo phác đồ điều trị và điều trị phòng ngừa của bác sĩ chuyên khoa.

13. Người bệnh hen phế quản phải chủ động, hiểu rõ bệnh và hiểu rõ thuốc đang sử dụng, lúc nào cũng có thuốc dự phòng ở bên mình. Hen phế quản không phải là bệnh có thể xem thường, trong quá trình điều trị, người bệnh cần áp dụng các biện pháp tích cực, đều đặn theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Đồng thời, cần chú ý đến các yếu tố phòng ngừa.

Nên đi khám sàng lọc hen phế quản khi có các dấu hiệu sau:

- Có cơn khò khè hoặc khò khè tái đi tái lại;

- Ho thường xuyên về đêm hoặc gần sáng gây thức giấc;

- Khó ngủ vì ho hoặc khó thở;

- Ho hoặc khò khè sau hoạt động thể lực;

- Khó thở liên tục theo một mùa nào đó có chu kỳ nhất định trong năm;

- Ho, khò khè hoặc khó thở sau tiếp xúc với dị nguyên đường hô hấp (bụi nhà, nấm mốc...) hoặc các chất kích ứng (sơn, dầu, nước hoa...);

- Bị cảm lạnh dẫn đến viêm phổi hoặc kéo dài trên 10 ngày;

Người bệnh cần kiểm soát liên tục và tuân thủ nghiêm ngặt những chỉ định điều trị và điều trị dự phòng từ bác sĩ chuyên khoa. Thuốc điều trị hen phế quản chủ yếu là thuốc giãn phế quản và chống viêm, tập trung điều trị triệu chứng là chính. Ngoài ra, bệnh nhân cần phải chủ động phòng tránh các tác nhân gây khởi phát cơn hen.

T.L (tổng hợp)

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.