Giáo dục - Học Đường

Hạnh phúc gia đình:​ Nhìn từ nhiều góc độ

Thứ Tư, 08/11/2023 | 15:22

Hạnh phúc là mục tiêu cao nhất mà cá nhân, gia đình, quốc gia mong muốn đạt được. Tháng 7/2012, Liên Hiệp Quốc đã nhất trí công bố lấy ngày 20/3 hằng năm là Ngày Quốc tế hạnh phúc - ngày có độ dài ngày và đêm như nhau, hàm ý hạnh phúc là cân bằng 3 trụ cột: xã hội, kinh tế, môi trường. Hạnh phúc gia đình cũng được nhìn từ những góc độ khác nhau như vậy.

Một tiết mục văn nghệ tuyên truyền về hạnh phúc gia đình. Ảnh: C.T

Từ bộ chỉ số gia đình hạnh phúc…

Ở Việt Nam, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt đề án tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc hằng năm. Thật ra, Việt Nam quan tâm về hạnh phúc từ rất sớm. Ngay trong quốc hiệu của nước, tiêu ngữ “Độc lập -Tự do - Hạnh phúc” đã bao hàm hạnh phúc như một trong những mưu cầu cao nhất.

Trong các văn kiện, chỉ thị, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác gia đình, thì xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh cũng luôn nhấn mạnh mục tiêu hạnh phúc. Các chương trình, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào, cuộc vận động hiện nay đều đề cập đến nội dung xây dựng gia đình hạnh phúc. Chiến lược phát triển gia đình đến năm 2030 xác định mục tiêu: Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người; là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống tôn trọng đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phát huy, nhân rộng các giá trị tốt đẹp góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.

Chiến lược xác định một số mục tiêu cụ thể liên quan đến gia đình hạnh phúc như: Phấn đấu 100% các địa phương có mô hình về truyền thông, giáo dục xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững; 100% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được giáo dục, tư vấn về hôn nhân gia đình, kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc...

Để hạnh phúc, không đơn thuần là từ đánh giá hay cảm nhận cảm tính, mà có những xúc tác từ cá nhân, từ gia đình, từ môi trường sống ngoài xã hội. Vì thế, việc xây dựng bộ chỉ số về gia đình hạnh phúc là một trong những nhiệm vụ được Chiến lược phát triển gia đình đến năm 2030 đặt ra. Bộ chỉ số này cung cấp cơ sở thực tiễn đánh giá từ gia đình và xã hội về chỉ số hạnh phúc chung, cũng như từng chỉ số hạnh phúc cụ thể, giúp từng gia đình định vị được chất lượng cuộc sống gia đình, các nhà quản lý đánh giá được hiệu quả của những thành tựu kinh tế - xã hội được phản chiếu trong gia đình - tế bào của xã hội; giám sát được những bước tiến bộ hay suy giảm của tiến bộ xã hội, để có những điều chỉnh chính sách, quản lý phù hợp theo kết quả của chỉ số hạnh phúc chung, cũng như các chỉ số hạnh phúc thành phần.

Gia đình hạnh phúc. Ảnh: Internet

… Đến các tiêu chí cụ thể

“Các gia đình hạnh phúc đều giống nhau; mỗi gia đình không hạnh phúc đều không hạnh phúc theo cách riêng của nó”, một tiểu thuyết gia người Nga đã nhận định như vậy.

Định nghĩa hạnh phúc gia đình không dễ dàng. Bởi mỗi người đều có cảm nhận hạnh phúc cho riêng mình. Nhiều người quan niệm rằng, cuộc sống vật chất đủ đầy là hạnh phúc, nhưng thế nào mới gọi là đủ đầy?! Những người khác lại quan niệm rằng, những thành viên trong gia đình biết yêu thương, quan tâm, chăm sóc nhau cũng đã đủ mang lại hạnh phúc. Nhưng, cuộc sống vật chất thiếu thốn, những lo toan nhọc nhằn ảnh hưởng đến sức khỏe, bào mòn thể chất con người ta thì liệu có hạnh phúc được hay không?! Rồi vì gia đình là một tập hợp các cá nhân, các gia đình tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, cho nên quan niệm hạnh phúc cũng không ai giống ai được.

Từ việc tham khảo các thang đo về gia đình hạnh phúc trên thế giới kết hợp với những đặc điểm văn hóa - xã hội đặc thù của đất nước, Việt Nam đã xây dựng tiêu chí về gia đình hạnh phúc làm động lực cho các gia đình phấn đấu, kịp thời khuyến khích và động viên các gia đình, các địa phương thực hiện tốt. Tiêu chí về gia đình hạnh phúc cũng là cơ sở để triển khai các phong trào, cuộc vận động hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh tại các địa phương.

Theo đó, hệ thống tiêu chí đánh giá gia đình hạnh phúc bao gồm: tiêu chí liên quan đến sức khỏe (có đủ sức khỏe để sinh hoạt, lao động, học tập hằng ngày là một chỉ báo quan trọng mang lại sự hài lòng về cuộc sống cá nhân, gia đình); tiêu chí hạnh phúc về nguồn lực của gia đình (gia đình có nơi ở đảm bảo sạch sẽ, thành viên trong độ tuổi lao động của gia đình có việc làm ổn định, có nguồn thu nhập ổn định, hài lòng về mức độ chi tiêu...); tiêu chí liên quan đến chất lượng các mối quan hệ gia đình (bao gồm quan hệ vợ chồng, quan hệ cha mẹ - con cái, quan hệ giữa các anh chị em, quan hệ với người cao tuổi và con cháu), sự hài hòa, gắn kết trong các mối quan hệ gia đình là điều kiện quan trọng đảm bảo gia đình hạnh phúc...

Hiện nay, một số địa phương trên cả nước đang thực hiện các thí điểm về tiêu chí gia đình hạnh phúc. Các tiêu chí thử nghiệm bao gồm lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, văn hóa tinh thần. Các phương pháp đánh giá gia đình hạnh phúc hiện nay vẫn còn thử nghiệm, nhưng được thực hiện chủ yếu thông qua sự tự đánh giá của gia đình, đánh giá và nhận xét của tập thể cộng đồng dân cư nơi cư trú...

Hạnh phúc vừa là “tự tạo”, tức là thứ hoàn toàn do chính mình tạo ra mà không dựa vào người khác; nhưng cũng vừa do cộng đồng, xã hội mang lại. Các tiêu chí hạnh phúc trên có thể được chia thành “sự hạnh phúc về vật chất” và “sự hạnh phúc về tinh thần”. Do đó, Việt Nam cũng như các quốc gia và khu vực đang phát triển quan tâm đến những đánh giá và thành tựu về vật chất trước tiên trong đảm bảo hạnh phúc. Những tiêu chí về thu nhập, tiền tiết kiệm, rộng hơn là cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên quan đến của cải vật chất là những điều kiện cơ bản đầu tiên để đạt được hạnh phúc. Khi xã hội đạt đến một mức độ phong phú về vật chất nhất định, sự đa dạng hóa lối sống và lý tưởng cho hạnh phúc, nói cách khác, là những yêu cầu về hạnh phúc tinh thần, sẽ xuất hiện. Đây là một hiện tượng được nhìn thấy trên toàn thế giới và đang được quan tâm chú ý khi triển khai thực hiện bộ tiêu chí gia đình hạnh phúc tại Việt Nam.

Nhật Quỳnh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.