Văn hóa - Nghệ thuật
Viết chuyện sau lũy tre làng
Chuyên mục Sau lũy tre làng trên trang Văn hóa - Nghệ thuật của Báo Bạc Liêu xuất hiện ít nhất cũng gần 10 năm qua. Hình ảnh lũy tre làng gợi lên bức tranh nông thôn Việt Nam mộc mạc, chân quê. Viết chuyện sau lũy tre làng, chúng tôi muốn đề cập đến những câu chuyện cũng thật gần gũi và chân quê ấy. Những câu chuyện lượm lặt từ lũy tre làng luôn ẩn ý thông điệp yêu thương cũng có khi là những băn khoăn, trăn trở…
“Tuổi thơ con thả trên đồng…”. Ảnh: C.T
Rất nhiều đối tượng tham gia viết chuyên mục Sau lũy tre làng. Nhà báo lâu năm, phóng viên trẻ mới vào nghề, cộng tác viên thường xuyên, hoặc có khi là một bài viết lần đầu tiên cộng tác với Báo Bạc Liêu, nghĩa là chuyên mục này không kén chọn người viết, miễn là câu chuyện đề cập là chuyện bên lũy tre làng, chuyện của… nhà quê là được!
Viết chuyện sau lũy tre làng có đâu xa! Đó là không khí chộn rộn của gian bếp người nhà quê khi nhà cô Tám có đám giỗ, bà con cô bác xúm xít nhau “giùm đám”. Là đám cưới của Út Mén hôm trước linh đình với cái rạp thuê trang trí vải đỏ kết dọc theo mấy khung sắt, nhạc đám cưới rình rang không ai nói chuyện được với ai; khác xa với đám cưới chế Hai Dễ của Mén cách đây chục năm trước: rạp che bằng sống lá dừa nước, mấy thanh niên trong xóm hì hục kẻ trèo người tước lá, mấy chị em thì kết hoa bằng giấy, bằng vải, chùm hoa trước cổng rạp là cái bông dừa nở tung trắng ngà nét đẹp đơn sơ… Là chuyện mấy bà sui ông ní ở quê thân nhau hơn anh em ruột một nhà, nghĩa tình keo sơn đến đời con đời cháu. Là chuyện chế Tư suốt đời ở vậy, không chịu lấy chồng để lo cho cha mẹ già và con cháu của mấy đứa em trong nhà, chế cũng là đại diện cho những người phụ nữ quê mùa mà công dung ngôn hạnh đủ đầy. Là chuyện hàng lu bên hiên nhà, giậu mồng tơi, tàn cây trứng cá, cánh đồng, con đê…, nơi gìn giữ những kỷ niệm ngọt ngào cho bọn trẻ nhà quê lớn lên dù đi đâu vẫn luôn nhớ cội thương nguồn, chỉ vì cảnh quê đầm ấm và nghĩa tình quê thì luôn dào dạt…
Tôi là người sống ở chợ, nhưng may là tôi có quê nội và quê chồng là chốn “đặc sệt” đồng bưng. Tôi thích về với những nơi ấy vào mỗi cuối tuần để được làm người nhà quê, ăn chén cơm của đồng quê, nhận cái nghĩa tình của người quê rồi để thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng, quên đi những suy tư, trăn trở của cuộc sống bộn bề, và… để viết chuyện sau lũy tre làng nữa! Những câu chuyện chứa đựng nhiều thông điệp gửi làng quê, rằng hãy gìn giữ chất quê mộc mạc mà đậm sâu nghĩa tình; văn hóa làng quê đang nằm ở đó, hãy gìn giữ những nét đẹp vốn có, vì đó cũng là một viên gạch hồng để xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
Quỳnh Anh