Những nghiệt ngã phía sau ánh đèn màu

Thứ Tư, 13/03/2013 | 19:52

Sân khấu với ánh đèn màu rực rỡ luôn có một ma lực với những người trót mang nghiệp cầm ca. Đó là nơi để người nghệ sĩ “chế biến” những bữa ăn tinh thần đặc sắc phục vụ khán giả; nhưng đó cũng là một môi trường ẩn chứa nhiều nghiệt ngã của cuộc sống!

Với người nghệ sĩ, đoàn chính là nhà, nơi đến biểu diễn là quê hương, còn sân khấu là “người bạn đời” luôn cùng họ sớt chia những thăng trầm trong nghiệp diễn. Được trở thành nghệ sĩ đã là một cái duyên, còn được hát, được diễn, được múa trên sân khấu mỗi ngày là cả một niềm hạnh phúc. Vì vậy, sân khấu và người nghệ sĩ chính là một thực thể không thể tách rời. Nhiều nghệ sĩ từng ví von một cách hình tượng rằng: “Nếu bắt họ rời xa sân khấu, rời xa ánh đèn màu thì cũng như đã tuyên mức án tử hình”. Tình yêu mãnh liệt với sân khấu thôi thúc người nghệ sĩ không ngừng hoàn thiện cả về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; đưa họ đến với tột đỉnh vinh quang và kéo họ về gần với công chúng.

Người nghệ sĩ chân chính hãy luôn là chính mình. Ảnh: K.C

Dưới ánh đèn màu, người nghệ sĩ bỗng chốc hóa thân thành những ông hoàng, bà chúa uy nghiêm trên chiếc ngai vàng có kẻ hầu người hạ, kẻ dạ người vâng; hoặc trở thành những tài tử giai nhân trong những giai thoại đầy kinh điển; rồi có khi họ là người khốn khổ, là kẻ hành khất, là một kiếp người bất hạnh bị xã hội dồn nén đến bước đường cùng… Sân khấu và người nghệ sĩ trở thành đôi bạn đường tự lúc nào chẳng biết. Thế nhưng, bên cạnh những hào nhoáng kia, người nghệ sĩ còn phải chuẩn bị tâm thế để đối mặt với biết bao nghiệt ngã!

Sự thường thì tre già măng mọc, trường giang sóng sau xô sóng trước! Thời gian, tuổi xuân, xuất hiện những nhân tố mới và thị hiếu của khán giả là những thử thách mà người nghệ sĩ phải đối diện. Với những nghệ sĩ đã rạng danh, đã tạo được chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng thì thời gian sẽ tỷ lệ thuận với những cống hiến, còn tuổi thanh xuân với họ sẽ chẳng hề hấn gì! Và một khi họ đã chinh phục được khán giả thì dù nhân tố mới có xuất hiện cũng chỉ san sẻ một phần nhỏ “fan” hâm mộ của họ. Song, với những nghệ sĩ tỉnh lẻ thì đó là cả một nỗi lo không phát tiết ra bên ngoài, mà nó âm ỉ, ngấm ngầm ở bên trong.

Ông Lý Hùng (Trưởng đoàn Nghệ thuật tổng hợp Khmer Bạc Liêu) từng chia sẻ: “Không có nỗi đau nào bằng người nghệ sĩ bị chính khán giả của quê hương mình quay lưng! Đó cũng là trường hợp đáng tiếc của một đoàn nghệ thuật Khmer ở Sóc Trăng. Hầu hết diễn viên đoàn đều sắp “đi qua cái dốc bên kia của cuộc đời”; tuổi xuân qua đi, sắc vóc không còn, giọng ca thì lạc điệu, khàn đặc… mà thị hiếu của khán giả thì bao giờ cũng đòi hỏi cái hay, cái đẹp, cái trẻ trung. Và đó cũng chính là lý do mà đoàn chúng tôi thường xuyên nhận được lời mời đi lưu diễn ở Sóc Trăng”. Bởi vậy, nếu không muốn bị khán giả quay lưng thì người nghệ sĩ phải siêng năng tập luyện, giữ cho làn hơi, điệu múa, khả năng biểu diễn xuất thần của mình thành những sở trường, sở đoản mà không ai có thể thay thế được; cũng như phải biết cách giữ gìn, duy trì tuổi thanh xuân, sắc vóc thì mới mong trụ được lâu dài trên sân khấu!

Khi văn hóa - nghệ thuật được chú trọng thì cũng đồng nghĩa với việc nhiều nhân tài mới xuất hiện, điều này cũng tỷ lệ thuận với việc sẽ tạo ra một sự cạnh tranh vô cùng gay gắt. Có người cạnh tranh bằng thực tài, nhưng cũng có lắm kẻ thích sử dụng “chiêu trò” trong cạnh tranh, nào là dùng tiền tài, danh vọng, địa vị, thậm chí cả nhan sắc để đánh đổi cái mỹ từ “nghệ sĩ”. Đó là những cơn sóng ngầm âm ỉ không bao giờ ngừng lặng, người nghệ sĩ phải thật sự có bản lĩnh, có đạo đức thì mới mong vượt qua thử thách, khẳng định chính mình!

Xã hội ngày càng hiện đại, giới trẻ lại được tiếp cận nhiều luồng văn hóa mới nên thị hiếu của một bộ phận đối tượng khán giả này vì thế cũng vạn biến theo cơ chế của thị trường. Nhóm khán giả này có xu hướng vọng ngoại, quay lưng lại với những giá trị văn hóa Á Đông (mà theo họ đã lỗi thời) nên họ thích cái gì cũng mới mẻ, cũng “không đụng hàng” như thế mới khẳng định được đẳng cấp! Vì vậy, họ thường mù quáng chạy theo nghệ sĩ mới, đam mê điên cuồng dòng nhạc ăn theo thị trường theo kiểu “yêu nhau con mắt liếc qua, ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra…”; để rồi khi “cơn sốt” qua đi, họ không ngần ngại “xô ngã” thần tượng cũ để chạy theo thần tượng mới.

Sau ánh đèn màu hào nhoáng của sân khấu còn ẩn chứa biết bao nghiệt ngã mà có lẽ chỉ những người “trong cuộc” mới thật sự thấu hiểu hết sự tình.

Mai Khôi

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.