Nhân Ngày thơ Việt Nam 2015: Dáng hình đất nước trong thi ca Việt Nam

Thứ Tư, 04/03/2015 | 16:45

Những người có công trải dài con đường thi ca Việt Nam theo tiến trình lịch sử đã vun đắp cho nền văn hóa - nghệ thuật dân tộc những giá trị văn hóa độc đáo! Và cũng thật đặc biệt khi Việt Nam có một ngày được đặt tên là Tết Nguyên tiêu - Ngày thơ Việt Nam vào rằm tháng Giêng hàng năm để mọi người cùng nhau nhìn lại chặng đường thi ca ấy…

Tết Nguyên tiêu khởi nguồn từ dấu mốc Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác bài thơ Rằm tháng Giêng: “Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”. Những câu thơ ấy đại diện cho tâm hồn thi ca Việt Nam: luôn yêu đời, lạc quan, dạt dào cảm xúc lãng mạn cho dù trong hoàn cảnh nào, đến mức phải tập trung cao độ để bàn bạc việc quân, việc nước cấp bách là thế mà vẫn có một cái nhìn lạc quan để cảm nhận được dòng sông trăng ngân đầy thuyền giữa đêm rằm hữu tình như vậy!

Thi ca Việt Nam có muôn hình vạn trạng. Trải qua hành trình dài của lịch sử, nhiều thế hệ đã dùng thơ để “viết sử” bằng những nét viết mềm mại, dễ truyền cảm xúc, và cũng có người xem thơ như nhịp đập của tim mình, không thể thiếu! Tất cả làm nên một bức tranh thi ca đa dạng về thể loại, đề tài: thơ ca cách mạng, thơ trào phúng, tình yêu lứa đôi, tình cảm gia đình… Trong đó, có một mảng lớn dành riêng để phác thảo nên dáng hình đất nước Việt Nam!


“Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”(Nam quốc sơn hà).
Ngay từ thời chống giặc Tống, bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt đã phân định biên giới, chủ quyền của nước Nam bằng những dòng thơ hùng hồn như thế! Rồi đến Bình ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, những bài thơ của những tấm lòng yêu quê hương, đất nước và thấm đượm tính triết lý sâu sắc về nhân cách con người như thơ của Nguyễn Đình Chiểu, thơ ca cách mạng nổi bật với tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác, thơ cách mạng của các nhà thơ Tố Hữu, Tế Hanh, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khoa Điềm… Khó mà liệt kê đủ đầy những tên tuổi các nhà thơ cũng như những trang thơ, nhưng mỗi dẫn chứng dưới đây sẽ minh chứng được rằng thi ca Việt Nam đã vẽ nên dáng hình đất nước thật tuyệt vời!

Việt Nam đất nước ta ơi/ Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn/ Cánh cò bay lả rập rờn/ Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều”; “Đất nghèo nuôi những anh hùng/ Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên/ Đạp quân thù xuống đất đen/ Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”. Đất nước trong Việt Nam quê hương ta của Nguyễn Đình Thi là thế đó! Một đất nước yên bình, đẹp như bức tranh, con người thì hiền hòa, nhân hậu nhưng sẽ “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” khi đất nước lâm nguy. Còn đất nước hóa thân trong Nhớ con sông quê hương nhà thơ Tế Hanh là “Quê hương ơi lòng tôi cũng như sông/ Tình Bắc - Nam chung chảy một dòng sông/ Không ghềnh thác nào ngăn cản được…”. Quê hương, đất nước đôi khi chỉ là dáng hình của một dòng sông, con đò, cây đa, bến nước, nhưng đã trở thành những biểu tượng thiêng liêng trong lòng người Việt Nam, và đẹp lung linh trong những vần thơ đất nước… Hãy nghe những dòng thơ như reo vui của Nguyễn Đình Thi về vẻ đẹp của đất nước: “Mùa thu nay khác rồi/ Tôi đứng vui nghe giữa đất trời/ Gió thổi rừng tre phấp phới… Rừng xanh đây là của chúng ta/ Núi rừng đây là của chúng ta/ Những cánh đồng thơm mát/ Những ngả đường bát ngát/ Những dòng sông đỏ nặng phù sa…”.

Có một định nghĩa về đất nước bằng thi ca gom gần như đầy đủ dáng hình đất nước. Đó là bài thơ Đất nước, trích trong trường ca Mặt đường khát vọng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: “Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi/ Đất nước có trong những cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể…”. Nhà thơ định nghĩa đất nước bằng miếng trầu bà ăn, hình ảnh trồng tre đánh giặc, bằng tình cảm vợ chồng gừng cay - muối mặn, bằng hạt gạo trắng trong, là nơi chim về, là nơi rồng ở, là trường học, là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm… đủ cung bậc cảm xúc.

Thơ ca về quê hương đất nước, không thể không nhắc đến một hiện tượng thơ trong thi đàn Việt Nam, nhà thơ Lưu Quang Vũ! Cùng với những cảm xúc cá nhân, cảm hứng dân tộc trong tiến trình lịch sử, những suy nghĩ về nhân dân, về đất nước chính là một mảng lớn trong thơ Lưu Quang Vũ. “Tổ quốc là nơi tỏa bóng yên vui/ Nơi nghĩ đến lòng ta yên tĩnh nhất” (Việt Nam ơi!), đó có thể được xem là một trong những tuyên ngôn về Tổ quốc của nhà thơ này! Trong thơ Lưu Quang Vũ, tình yêu đất nước rất gần với tình yêu đôi lứa, trong cái chung có cái riêng và trong cái riêng luôn nghĩ về cái chung: “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi/ Như tiếng gọi ngàn đời không khuất phục/ Đất nước giống con thuyền xuyên gió mạnh/ Những mối tình trong gió bão tìm nhau” (Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi)

Thi ca Việt Nam đã, đang và sẽ còn trải dài theo những chặng đường lịch sử. Trên hành trình ấy, những người làm thơ cũng đã trải lòng mình thật bao la để gửi vào thơ tình yêu Tổ quốc, quê hương, con người bằng những hình ảnh, câu từ dung dị mà thấm sâu rồi cấu thành dáng hình đất nước thân yêu! Thấm sâu như lời nhắc nhở của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong Đất nước: “Em ơi em, đất nước là máu xương của mình/ Phải biết gắn bó san sẻ/ Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên đất nước muôn đời”…

CẨM THÚY

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.