Hai mươi lăm Tết…

Thứ Tư, 11/02/2015 | 17:15

Đã thành phong tục, hai mươi lăm Tết, nhiều gia đình lại tổ chức mâm cơm cúng đưa ông bà, rồi con cháu rủ nhau đi “dẫy” mả, sửa sang lại phần mộ gia tiên. “Âm dương cách biệt đôi đường” nhưng trong tâm thức của người Việt, linh hồn của người đã khuất vẫn luôn hiện hữu, luôn dõi theo sự trưởng thành, lớn khôn của đàn con cháu; nên chưa bao giờ con cháu dám quên đi cái nhiệm vụ thiêng liêng đối với tổ tiên, ông bà…

Trong tâm thức tôi, hình ảnh bà ngoại đẹp lung linh như bà tiên trong chuyện cổ tích. Mái tóc bạc phơ được búi gọn sau đầu, màu trắng đó như màu thời gian gội trắng phau tóc bà. Cũng như bao đứa trẻ khác, thời ấu thơ đến trường tôi được cô giáo dạy bao nhiêu là câu chuyện truyền thuyết, cổ tích, thần thoại thật hay nhưng trước đó, những bài học làm người ấy đã được ngoại kể lại, hay hơn bất cứ một ai. Tôi còn nhớ như in giọng bà ấm áp, truyền cảm khi kể tôi nghe. Khi thì hiền dịu trong vai cô Tấm, khi đanh đá, ác độc để hóa thân thành ả Cám; khi lại tình cảm đến xót xa khi nhập vai người anh rồi người em và cả người con gái trong sự tích Trầu Cau; khi huyền hoặc, thần tiên trong truyền thuyết Thánh Gióng; lúc lại rùng rợn, dữ dằn như con chằn tinh trong tích Thạch Sanh chém chằn… Vai nào bà cũng thể hiện thật hay. Bà đã đưa tôi vào giấc ngủ mê say bởi giọng ngọt ngào trầm ấm, khi là những lời ru ầu ơ, ví dầu, lúc là những câu chuyện kể. Có lần nghe bà hát ru: “Chiều chiều dẫn vợ lên rừng, bẻ roi đánh vợ biểu đừng theo trai”, tôi hỏi bà “sao dắt vợ chi tới trên rừng vậy bà?”, bà cười móm mém rồi đáp: “tổ cha mày, ngủ đi con…”. “Đất nước có trong những cái ngày xưa bà thường hay kể”, quả đúng là thế, tôi đã hình dung được dáng hình đất nước từ những câu chuyện, lời ru bà kể tôi nghe bên cánh võng tuổi thơ… Nhưng tất cả chỉ là một vệt ký ức băng ngang đời mình, lớn lên chút nữa, bà đã đi xa, như bà tiên phất chiếc quạt trần rồi bay mãi về trời…

Không phải ai cũng may mắn có được bà ngoại, bà nội để những hình ảnh đẹp đẽ ấy đi vào tâm thức. Khi ta chưa đủ lớn để nhớ, có khi ông bà đã ra đi. Ông bà - chỉ được nhiều người biết đến bởi chiếc di ảnh thờ cúng trang nghiêm trên bàn thờ tổ tiên trong gia đình. Dù không biết mặt, không được truyền tình cảm thương yêu, dệt thành những ký ức đẹp đẽ như những câu chuyện thần tiên mà tôi may mắn được bà truyền lại… nhưng diệu kỳ là ai cũng biết nhớ cội thương nguồn. Ông bà, tổ tiên vẫn luôn hiển hiện, luôn được tưởng nhớ bằng tấm lòng thành kính nhất! “Ngó lên nuộc lạt mái nhà, bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu” (ca dao), “Thà đui mà giữ đạo nhà, còn hơn sáng mắt ông cha không thờ” (Nguyễn Đình Chiểu)… Việc thờ cúng tổ tiên không chỉ là tưởng nhớ, tri ân công đức dưỡng dục sinh thành của những người đi trước, mà đó còn là cách để giáo huấn cho lớp người hôm nay lòng hiếu thảo đối với tổ tiên, ông bà, không chỉ những người trực tiếp sinh ra, nuôi lớn mình mà cả những người đã khuất. Không hình dung được ông tổ, ông tiên mình là ai nhưng nhiệm vụ con cháu phải biết tôn thờ. Ngay trong câu hát “con chim se sẻ nó đẻ cột đình, bà ngoại đẻ má, má đẻ mình em ơi…” đã nói lên được cái quy luật bao đời nay…


Hai mươi lăm Tết, mỗi gia đình lại trịnh trọng bày lên bàn thờ tổ tiên mâm cơm cúng, đó là tục “đưa ông bà”. Nếu trước đó, đưa ông Táo về trời là tục có nghĩa để các vị Táo quân trình báo một năm làm nhiệm vụ bếp núc trong mỗi gia đình, thì đưa ông bà được hiểu nôm na là đưa ông bà về với cõi tiên để ông bà được vui tết, hoặc còn có quan niệm khác cho rằng đây là lúc ông bà trở về cõi âm để xem mình có được đầu thai kiếp khác hay được phong thần phong thánh… Sau khi bày mâm cơm cúng với hoa quả, rượu, thịt… thì người ta thường dọn sạch sẽ bàn thờ, đốt chân nhang cũ, kể từ ngày này sẽ không đốt nhang nữa vì bàn thờ đã “vắng mặt” tổ tiên. Sau đó, đến ba mươi Tết, nhà nhà lại rước ông bà về với gia đình. Trong tâm thức người Việt, ông bà tổ tiên dù vong linh còn “hiện hữu” hay đã “đầu thai” kiếp khác thì họ vẫn sẽ luôn ở lại với con cháu, phò hộ cho con cháu được những điều tốt lành. Vì vậy, bên cạnh bàn thờ ông bà, cha mẹ thì mỗi gia đình Việt thường có bàn thờ thờ cả Tổ đường với sự tôn kính chân thành của con cháu. Và tết là dịp để mọi người thể hiện cái hiếu đạo ngàn đời của dân tộc.

Hai mươi lăm Tết, bên mâm cơm cúng tưởng nhớ ông bà, những dòng người tảo mộ, quét dọn, sơn sửa lại phần mộ nơi yên nghỉ của người thân, mùi khói nhang thơm nồng ở mỗi gia đình luôn khơi gợi một nét đẹp văn hóa cổ truyền không bao giờ phai nhạt của dân tộc Việt. Đó là sự tôn kính và lòng hiếu đạo của người đời nay với người đời xưa, là nét đẹp của truyền thống, đạo lý biết nhớ cội thương nguồn!

QUỐC LÂM

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.