Văn hóa - Nghệ thuật
Chuyện về những “đại sứ văn hóa đọc”
“Mong rằng trong tương lai, ai cũng có thể cầm trên tay quyển sách mình yêu thích, ai cũng có thể đọc sách và có thể cùng đồng hành trên “chuyến xe thành nhân”. Nhất là với những học sinh vùng sâu, vùng xa…”. Đó là chia sẻ của bạn Đỗ Hoài Duy - học sinh lớp 12C1, Trường THPT Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi) vừa đoạt giải Nhất cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc 2023” tỉnh Bạc Liêu.
Đỗ Hoài Duy - bạn trẻ đoạt giải Nhất cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc 2023” đọc sách trong thời gian rảnh rỗi.
Mê đọc và mê sách
Tại buổi trao giải cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc 2023” tỉnh Bạc Liêu diễn ra gần đây, tôi có dịp trò chuyện cùng cậu học sinh “mê sách” này. Đang trong giai đoạn nước rút của năm học cuối cấp nhưng Duy vẫn giữ thói quen học tập đi đôi với đọc sách vào những lúc rảnh rỗi. Đối với Duy, thời gian đọc sách giúp bạn thư giãn đầu óc và tạo cảm hứng để học tập tốt hơn. Có lẽ do yêu thích đọc sách nên suy nghĩ của Duy có phần sâu sắc hơn lứa tuổi: “Quyển sách giúp em đoạt giải Nhất lần này là “Cây cam ngọt của tôi” của nhà văn người Brazil - Jose Mauro de Vansconcelos. Qua quyển sách em cảm nhận được nhiều cung bậc cảm xúc của đời người và hiểu rằng chúng ta nên trân trọng mọi thứ mình có trên cuộc đời này, nhất là những phút giây bên gia đình thương yêu”.
Còn em Đặng Trương Tuấn Phát - học sinh lớp 5A3, Trường tiểu học Hòa Bình B (huyện Hòa Bình) thì mang đến cuộc thi những dòng chia sẻ dễ thương của tuổi thiếu niên: “Với em, đọc sách giúp chúng ta hoàn thiện bản thân, xứng đáng là chủ nhân tương lai đất Việt…”.
Nhiều bài cảm nhận với những bức tranh tâm hồn đầy màu sắc hay những video clip hiện đại, sáng tạo được các em gửi đến cuộc thi càng khẳng định được tình yêu sách và văn hóa đọc đã lan tỏa đến đông đảo học sinh từ thành thị đến nông thôn. Đáng mừng hơn nữa, chiếm đông đảo các giải thưởng cao trong cuộc thi năm nay là các em học sinh đến từ các trường huyện, thị trấn. Nhiều em thể hiện góc nhìn mới với những giải pháp phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, như: dự án đưa sách về vùng sâu, vùng xa; đổi rác thải nhựa lấy sách; tổ chức nhiều cuộc thi cảm nhận về những quyển sách hay… Hơn hết, nhiều bạn trẻ cũng trăn trở về giá thành của sách vẫn còn cao so với các bạn có hoàn cảnh khó khăn, làm sao để các bạn có điều kiện mua sách và được đọc sách thường xuyên.
Ông Thái Quốc Lưu - Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL trao giải Nhất cho các thí sinh tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc 2023” tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: T.N
Lan tỏa thói quen đọc sách
Với chủ đề “Sách: nhận thức - đổi mới - sáng tạo”, cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” tỉnh Bạc Liêu năm nay đã nhận được 1.074 bài dự thi từ 121 trường học trong tỉnh vào vòng chung kết. Kết quả, nhiều bài dự thi chất lượng được chăm chút từ hình thức đến nội dung đã thật sự thuyết phục Ban giám khảo bởi cách tiếp cận mới lạ, sinh động và nhiều ý kiến đáng suy ngẫm của các em về giá trị của quyển sách hay. Nhiều bài thi vẫn còn thiếu sót trong cách hành văn, cách trình bày nhưng cảm xúc chân thật trong từng câu chữ đã chạm đến trái tim của người đọc. Kết quả, cuộc thi năm nay đã chọn ra 4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 8 giải Ba và nhiều giải thưởng khác. Có thể nói, cuộc thi đã trở thành một sân chơi thường niên, góp phần tu dưỡng nhận thức, nhân cách và lòng nhân ái của thế hệ trẻ. Từ đó góp phần giúp các em phát triển về mặt tư duy, khả năng sáng tạo và hình thành lối sống lành mạnh, giảm sử dụng thiết bị điện tử trong cuộc sống hiện đại.
Chia sẻ về cuộc thi năm nay, bà Lưu Thị Hồng Liễu - Phó Ban tổ chức cuộc thi, Giám đốc Thư viện tỉnh, cho biết: “Được diễn ra hằng năm bắt đầu từ năm 2019, cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” mong muốn mang lại một sân chơi hữu ích, lan tỏa niềm đam mê đọc sách đến mọi người, không riêng gì các em học sinh. Chúng tôi rất vui mừng vì số lượng thí sinh dự thi đã tăng dần theo từng năm và đều ở các cấp học. Hy vọng rằng, mỗi năm sẽ có nhiều hơn nữa các em đến với cuộc thi, từ đó lan tỏa và nhân rộng thói quen đọc sách, hình thành văn hóa đọc một cách gần gũi, tự nhiên”.
BÙI TUYẾT