Văn hóa - Nghệ thuật
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Thị Riêng: Vì Tổ quốc gác tình riêng
Việc tổ chức những hội thảo ôn lại lịch sử và những nhân vật lịch sử của đất nước nói chung, địa phương nói riêng, “ôn cố tri tân” chính là chúng ta đang giở lại những trang sử hào hùng để noi theo gương sáng cha anh, ở mọi thời đại vẫn luôn rất cần! Mới đây ngày 1/12, Hội Khoa học lịch sử tỉnh vừa tổ chức hội thảo về nhân vật lịch sử liệt sĩ - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Lê Thị Riêng cũng không ngoài mục đích ấy!
Những bài tham luận ở nhiều góc độ khác nhau do đại diện các đơn vị như Hội Khoa học lịch sử tỉnh, Hội LHPN tỉnh, Tỉnh đội, Trường THPT Lê Thị Riêng… đã làm cận cảnh những góc nhìn về cuộc đời hoạt động cách mạng của AHLLVTND Lê Thị Riêng, người con ưu tú của Bạc Liêu. 43 năm trên cõi đời này, quá ngắn ngủi, nhưng quãng thời gian đó người nữ anh hùng Lê Thị Riêng đã dệt thành một khúc ca bi tráng, một tượng đài hiên ngang về ý chí đấu tranh kiên cường, lòng chung thủy sắt son dành cho chồng, và tình mẫu tử thiêng liêng khiến người đời sau phải chứa chan nước mắt!
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: C.T
Vâng! Buổi hội thảo về nhân vật lịch sử Lê Thị Riêng đã có những giọt nước mắt rơi, người lấy khăn lau mắt, người nghẹn ngào, ngắt quãng trong giọng nói… Và có cả những giọt nước mắt rơi ngược vào lòng vì chúng được kìm nén, tình yêu lớn dành cho đất nước, tình yêu bao la dành cho con, tình chung - tình riêng trong người phụ nữ ấy đã khiến chúng tôi se thắt lòng mình!
Ông Đào Bá Hắc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh chia sẻ tham luận với chủ đề “Cách mạng đã rèn luyện người phụ nữ chân quê Lê Thị Riêng đến vị trí tiên phong của hai cuộc kháng chiến cứu nước”. Với nội dung này, bài tham luận đề cập cuộc đời hoạt động cách mạng và những bài học lịch sử sâu sắc về tinh thần đấu tranh cách mạng từ nhân vật lịch sử này. Ông phân tích ý nghĩa từ câu chuyện lịch sử ấy, bài tham luận đúc kết thật sâu sắc: “Từ hoàn cảnh côi cút, khó khăn, song không khuất phục cường quyền hà hiếp của thế lực cai trị địa phương, người thôn nữ Lê Thị Hai (tức Lê Thị Riêng - PV) đã tự đi tìm con đường sống cho bà, và bà đã tìm được con đường sáng, con đường được giác ngộ cách mạng và quyết chí theo cách mạng… Từ nhân cách cách mạng của bà là minh chứng lý giải cho sức mạnh của dân tộc ta đánh bại hai cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ…”.
Tự hào được đứng ở bục giảng của ngôi trường mang tên người liệt nữ anh hùng - Trường THPT Lê Thị Riêng (huyện Hòa Bình), đại diện trường đã có bài tham luận khá ấn tượng với chủ đề: “Thầy trò mãi mãi theo gương bà Lê Thị Riêng, người nữ liệt sĩ - AHLLVTND”. Noi gương sáng của người phụ nữ anh hùng, thầy và trò nhiều thế hệ đã phấn đấu hết mình để học tập và rèn luyện về mọi mặt, đóng góp một phần công sức của mình vào sự phát triển chung của đất nước. Còn đối với đơn vị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, sự hy sinh anh dũng của AHLLVTND Lê Thị Riêng là một trong những tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, biết đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết. Tấm gương ấy luôn có giá trị to lớn về lý tưởng sống của người cộng sản, để thế hệ hôm nay và mai sau học tập noi theo…
Có mặt trong buổi hội thảo, người xúc động nhiều hơn cả có lẽ là “Bà mẹ Chính ủy” Nguyễn Thị Bình (nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Minh Hải - nay là Bạc Liêu và Cà Mau). Bởi hơn ai hết, bà thấu hiểu tấm lòng của người phụ nữ anh hùng, vì bà cũng là tấm gương sáng ngời về người phụ nữ anh hùng, cũng hy sinh tình riêng, mẫu tử chia lìa để làm tròn nghĩa vụ với quê hương. Là một người từng gặp gỡ bà Lê Thị Riêng ở thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, bà Nguyễn Thị Bình đã kể lại những chứng cứ sống rất giá trị: “Tôi nhớ, chị hay hỏi chị em công tác có khó khăn gì không, rồi luôn động viên chị em ráng học tập, lao động, sống tự lập, “đừng như thân cây chùm gửi”, rồi dạy chị em câu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Đã 67 năm rồi nhưng bà Út Bình vẫn nhớ như in những lần được gặp người chị đáng kính ấy!
Buổi hội thảo đã giở lại những trang sử vàng xung quanh câu chuyện cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của nhân vật lịch sử Lê Thị Riêng, người con gái được sinh ra ở làng Vĩnh Mỹ, huyện Giá Rai (nay là ấp Xóm Lớn A, xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình) mồ côi cha mẹ, sống cuộc sống cơ hàn lúc nhỏ rồi lớn lên được giác ngộ, tham gia cách mạng với nhiều vị trí khác nhau, được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu AHLLVTND, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác của Nhà nước. Câu chuyện đã cũ nhưng những nội dung đề cập tại hội thảo hoàn toàn thiết thực trong cuộc sống hôm nay, nhất là trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, như đúc kết của ông Đào Bá Hắc: “Cảm phục bà, nghĩ về hôm nay, tôi mong sao cuộc sống riêng tư của mỗi gia đình, hạt nhân của xã hội mới hãy cùng nghĩ, làm cho đời sống riêng - chung vẹn toàn”.
Cẩm Thúy