Nhà báo cần am hiểu pháp luật

Thứ Sáu, 20/06/2014 | 17:00

Hoạt động ở một lĩnh vực khá phong phú và nhạy cảm, do đó, bên cạnh việc rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp, nâng cao tay nghề còn đòi hỏi ở mỗi nhà báo sự am hiểu pháp luật…

Theo Luật Báo chí hiện hành, báo chí có các nhiệm vụ “Tuyên truyền phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”; “Đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực xã hội khác”. Còn các nhà báo thì có nghĩa vụ “Bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phát hiện, bảo vệ nhân tố tích cực; đấu tranh phòng, chống các tư tưởng, hành vi sai phạm”.


Sự hiểu biết pháp luật của nhà báo thể hiện ở nhiều mặt, trước hết là sự hiểu biết, nắm vững nội dung các văn bản pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là những mảng, lĩnh vực mà nhà báo phụ trách. Sau đó là trong quá trình tác nghiệp, học hỏi và trau dồi kinh nghiệm, nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, trình độ ứng xử phù hợp với các chuẩn mực pháp luật.

Nhiều người cho rằng, chỉ có nhà báo, phóng viên phụ trách trên mảng pháp luật thì mới cần am hiểu pháp luật - quan điểm này là sai lệch. Bởi nói đến nhà báo là bao gồm cả sản phẩm làm ra - bài báo. Do vậy, bên cạnh hành vi xử sự hợp pháp, thì những bài báo “thấu tình, đạt lý” khiến độc giả nói chung phải “tâm phục, khẩu phục” chắc chắn không thể bỏ qua trình độ văn hóa pháp lý của nhà báo đó.

Phóng viên tác nghiệp tại tòa trong một vụ xử nhận hối lộ. Ảnh: T.L

Một vấn đề đặt ra, như vậy, nhà báo cần am hiểu pháp luật đến mức độ nào? Nắm vững luật ở giới hạn nào? Trong khi các văn bản luật thì liên tục đổi mới, sửa đổi mà nhà báo thì đâu phải là những nhà luật học. Trên thực tế, có không ít nhà báo khi tác nghiệp, do không nắm vững các quy định pháp lý nhất định nên trong cách viết, cách xử sự không đúng pháp luật. Chẳng hạn, khi viết về các vụ việc nào đó lại tự mình đưa ra điều luật, quy kết tội danh rồi phân tích, bình luận theo kiểu buộc tội. Trong khi một nguyên tắc cực kỳ quan trọng của Hiến pháp thì không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật (khoản 1, Điều 31 Hiến pháp năm 2013). Bên cạnh đó, đa số nhà báo khi tác nghiệp luôn xem tư liệu của cơ quan điều tra, hoặc cá nhân cán bộ điều tra khi chưa đưa công bố công khai là chính xác tuyệt đối, mà ít khi kiểm định tính chính xác của thông tin. Trong khi rất nhiều các tài liệu này chỉ có tính tham khảo, thậm chí khi đưa ra xét xử, vẫn không đủ để buộc tội. Hay một số phóng viên khi viết về vụ án, trong đó đã miêu tả những hành động chém giết rùng rợn theo kiểu “câu khách”, vừa gây tâm lý không tốt trong nhân dân, vừa vi phạm Luật Báo chí.

Do đó, dù không cần đến mức phải có đầy đủ kiến thức pháp luật chuyên ngành như một cử nhân luật, nhưng các nhà báo cần trang bị cho mình càng nhiều kiến thức pháp luật càng tốt.

Nếu như báo chí chủ yếu là phản ánh, lý giải các hiện tượng, quan hệ xã hội, định hướng dư luận thì chức năng chính của pháp luật là điều chỉnh các quan hệ xã hội theo ý chí của Nhà nước, đó cũng là ý chí của toàn thể nhân dân. Như vậy, giữa pháp luật và báo chí có mối quan hệ qua lại, theo hướng pháp luật giúp báo chí tuyên truyền phản ánh có định hướng rõ ràng, phân biệt đúng sai, giới hạn chuẩn mực; còn báo chí giúp đưa pháp luật đi vào đời sống, tăng tính khả thi, tạo thói quen “sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Kim Phượng

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.