Thanh thiếu niên
Khi giới trẻ thờ ơ trong tiếp cận tri thức
Thay vì phải tự làm mới bản thân bằng cách tiếp cận tri thức, nhiều bạn trẻ lại chọn cho mình cách sống thụ động, an phận. Đó cũng là lý do khiến họ bị tụt hậu so với thời đại.
Thờ ơ với tri thức
Có thể hào phóng bỏ ra vài trăm ngàn đồng bao bạn bè một chầu nhậu nhưng cậu sinh viên T.H lại tiếc tiền mua một quyển sách hay để đọc. H. đưa ra lý do “mua làm gì cho tốn tiền, trên mạng sách gì không có”. Nói là vậy nhưng bạn bè chưa bao giờ thấy H. chuyên tâm đọc một quyển sách nào. Bởi phần lớn thời gian lên mạng H. chỉ tập trung vào chơi game online, các tin tức giật gân, chuyện các sao ăn mặc, biểu diễn… Bước chân vào giảng đường gần một năm nhưng H. chưa một lần đến thư viện để đọc sách tham khảo bổ trợ cho việc học tập của mình.
![]() |
Game online gián tiếp làm gia tăng tình trạng bạo lực trong giới trẻ. Ảnh minh họa |
Không chỉ giới học sinh, sinh viên, mà ngay cả nhiều bạn công chức cũng không mấy mặn mà tiếp cận với thông tin, trau dồi nghiệp vụ. Câu chuyện về cô bạn N. là một điển hình. Là công chức trong một cơ quan Nhà nước, ngày ngày cắp cặp đến cơ quan. Trong lúc bạn bè phấn đấu học thạc sĩ hoặc nghiên cứu để nâng cao tay nghề thì N. hài lòng với những gì mình đã có. Cứ thế “sản phẩm” công việc của N. thể hiện theo lối mòn cũ kỹ, thiếu tính sáng tạo.
...Và những hệ quả
Trong khi cả xã hội phải chạy đua để bắt kịp với nhịp sống thời đại thì nhiều bạn trẻ vẫn đang giậm chân tại chỗ.
Chuyện các bạn trẻ thờ ơ tiếp cận tri thức có nhiều nguyên nhân. Có thể thấy, bên cạnh sự lười nhác, thiếu tinh thần cầu tiến thì còn có nguyên nhân xuất phát từ sự bao bọc thái quá của gia đình. Câu chuyện về cậu học trò tên P. là một ví dụ. Sinh ra trong một gia đình giàu có, P. không phải lo lắng chuyện học phí, sách vở như bạn bè. Trái lại, ba của P. còn đưa ra chỉ tiêu khá nhẹ nhàng với cậu là chỉ cần tốt nghiệp cho xong cấp 3, còn chuyện “tương lai” cứ để “ba lo”. Với con đường tương lai đã được “trải thảm đỏ”, P. cũng chẳng cần nỗ lực phấn đấu hay cho ước mơ hoài bão như đám bạn của mình. Nhưng nhìn P., nhiều người lại thấy ái ngại. Chọn cách sống thụ động như thế liệu P. có thật sự trụ vững nếu thiếu bàn tay nâng đỡ của gia đình khi mà bản thân đã quá tụt hậu so với thời đại?
Tôi có cô bạn là giảng viên của một trường đại học, lúc nào cô ấy cũng bận bịu tất bật với công việc, với chuyện trau dồi chuyên môn. Nhìn cô ấy nắn nót từng trang giáo án, hay say sưa trên mỗi bài giảng mới cảm nhận hết sự yêu nghề và khát khao được cống hiến của cô giáo trẻ này. Không chỉ vậy, cô ấy còn ấp ủ nhiều dự định nâng cao nghiệp vụ để việc giảng dạy ngày càng tốt hơn. Cô giáo ấy chia sẻ: “Kiến thức là mênh mông. Lúc nào mình cũng có cảm giác thiếu kiến thức nên phải học hoài, mà càng học càng thấy thiếu”. Tôi xin mượn câu nói trên để kết thúc cho bài viết.
Tuấn Anh