Trường Nội trú Ninh Bình: Những ký ức không bao giờ phai!

Thứ Sáu, 12/04/2013 | 17:42

Có một mái trường với bề dày thành tích trong dạy và học, đồng thời cũng là nơi đong đầy những kỷ niệm thân thương về tình thầy trò, bè bạn từ trong kháng chiến chống Mỹ cho tới ngày hòa bình thống nhất đất nước. Từ ngôi trường ấy, rất nhiều người thành danh với nhiều đóng góp cho quê hương khi được tôi luyện trong một môi trường giáo dục như thế.
Dù đã kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình nhưng ngôi trường mang tên tỉnh kết nghĩa ấy đã trở thành những ký ức đẹp đẽ đối với những thế hệ thầy và trò từng sống, lao động và học tập ở đó: trường Nội trú Ninh Bình.

* Chị Lê Thị Ái Nam, cựu học sinh khóa IV, hiện là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu: Trường Nội trú Ninh Bình góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho 2 tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau

Trường Nội trú Cà Mau - Ninh Bình đào tạo con em của cán bộ, thương binh, liệt sĩ. Mỗi học sinh đều mang trong mình truyền thống cách mạng của gia đình, của quê hương. Truyền thống ấy đã tạo nền tảng cho học sinh có ý thức nghiêm túc trong rèn luyện và cố gắng cao trong học tập. Từ đó, đã đào tạo một lớp cán bộ, chiến sĩ trưởng thành trực tiếp tham gia kháng chiến bảo vệ quê hương, đất nước.

Khi được sống trong ngôi trường nội trú, chúng tôi không chỉ có học tập mà còn được rèn luyện ý thức trong lao động. Mỗi mùa hè, học sinh phải vào rừng U Minh để làm ruộng. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ, giáo viên, mỗi học sinh đều có một việc làm phù hợp, từ làm cỏ, nhổ mạ, cấy lúa, trồng rau, bắt cá… Lớp lớn thì làm việc nặng, lớp nhỏ thì làm việc nhẹ hơn. Tình thầy trò, nghĩa bạn bè thật sâu nặng, không thể nào quên…

Trường đã đào tạo biết bao thế hệ học sinh trưởng thành. Có người bây giờ là sĩ quan cấp tướng, người là tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ, là doanh nhân thành đạt… Không ít người đã trở thành giáo viên tiếp nối con đường của thầy cô đã đi. Đặc biệt, có nhiều người là cán bộ chủ chốt, cán bộ lãnh đạo của Bạc Liêu và Cà Mau. Sự đóng góp của trường có ý nghĩa thật lớn lao, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho 2 tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau ngày nay!

* Nhà giáo ưu tú Trác Văn Đây, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bạc Liêu, cựu giáo viên trường Nội trú Ninh Bình: Ngôi trường khó quên!

… Trường Nội trú Ninh Bình được thành lập vào tháng 4/1964 để nuôi dạy con em cán bộ cách mạng, con thương binh - liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ. Trong 15 năm (từ 1964 - 1979), trường đã tổ chức được 4 khóa với hơn 1.300 học sinh. Những năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975 - 1979), trường mở khóa đào tạo lần cuối gồm 900 học sinh theo học, là con em của quê hương Cà Mau - Bạc Liêu và một số tỉnh khác ở miền Tây Nam bộ, và kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình tại TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

Trường Nội trú Ninh Bình đã để lại những kỷ niệm không thể nào quên đối với hơn 1.300 học sinh và đội ngũ cán bộ quản lý, thầy cô giáo và nhân viên phục vụ nơi đây. Ngoài việc dạy chữ, trường còn dạy trò làm người. Thầy và trò xem ngôi trường như một gia đình lớn! Ngoài việc giảng dạy, học tập, thầy và trò thay phiên nhau đi lao động tự túc trồng lúa hơn 500ha trong rừng U Minh, tổ chức nuôi heo… để cải thiện bữa ăn hàng ngày.

…Hiện tại, các thế hệ cựu học sinh trường Nội trú Ninh Bình đã thành lập Ban liên lạc nhằm kịp thời giúp đỡ lẫn nhau trong công tác, cũng như trong cuộc sống. Hàng năm, kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, đều có tổ chức họp mặt để ôn lại truyền thống của trường…

* Thầy Trần Văn Nhơn, cựu giáo viên trường Nội trú Ninh Bình, hiện công tác ở Phòng Tư pháp TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau: Tôi rất hạnh phúc khi được giảng dạy ở trường Nội trú Ninh Bình

… Sau ngày 30/4/1975, trường Nội trú Ninh Bình chuyển ra thị xã Cà Mau (nay là TP. Cà Mau). Sau khi ổn định xong cơ sở, trường bắt đầu tuyển sinh khóa mới cũng là lúc tôi nhận công tác giảng dạy ở đây.

Nhờ được sự dìu dắt và giúp đỡ tận tình của các giáo viên chi viện từ tỉnh Hà Nam Ninh kết nghĩa bổ sung, cộng với sự chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo nhà trường, tôi cùng tập thể nhà trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của mình. Đó là đào tạo thế hệ học trò thành đạt và có nhiều đóng góp cho quê hương.

Khi nghĩ về mái trường xưa, chắc nhiều người cũng như tôi đều nhớ đến những ngày lao động tự túc lương thực tại U Minh. Những ngày lội ruộng trong thời tiết giá lạnh giáp Tết, những đêm ngủ lán trại dã chiến ở trong rừng, những bữa cơm đạm bạc với rau rừng và thức ăn cải thiện tại chỗ… Chính sự gần gũi, thân thương đó đã làm cho tình cảm thầy trò vương vấn mà nhiều năm trôi qua, tôi không thể nào quên! Tôi rất hạnh phúc khi được giảng dạy ở trường Nội trú Ninh Bình.

* Bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Khánh, công tác tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Bạc Liêu: Tôi tự hào là cựu học sinh trường Nội trú Ninh Bình

Đã nhiều năm trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ như in những ngày đầu tiên bước chân vào trường Nội trú Ninh Bình, ngôi trường cấp 1 và 2 nổi tiếng là khuôn phép và kỷ luật.

… Giữa thị xã Cà Mau một buổi trưa hè năm 1977, sau khi giao tôi cho thầy chủ nhiệm (thầy Trần Văn Nhơn), mẹ tôi trở về Bạc Liêu. Còn tôi, một cô bé 13 tuổi, chưa từng xa gia đình bắt đầu cuộc sống nội trú hoàn toàn lạ lẫm! Tôi ấn tượng nhất là tiếng kẻng của trường. Vào học, ăn uống, thể dục, tự học… đều theo tiếng kẻng…

Nhờ sự ân cần giúp đỡ của thầy cô và các bạn, tôi nhanh chóng hòa nhập cuộc sống mới, việc học tập, sinh hoạt cũng dần ổn định. Mỗi thầy cô đều có cách dạy riêng, song, ai cũng đầy nhiệt huyết khi tạo nên các buổi học rất thú vị. Song song với việc học văn hóa, chúng tôi còn được học và thi thể dục, văn nghệ ở mỗi học kỳ. Ngoài ra, trường còn rèn luyện cho học sinh về đạo đức, tác phong và lao động.

Những năm tháng được rèn luyện và học tập trong ngôi trường mang tên tỉnh kết nghĩa Ninh Bình trở thành những kỷ niệm không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi. Và tôi rất tự hào khi được là cựu học sinh trường Nội trú Ninh Bình!

* Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy - chữa cháy TP. HCM: Trường xưa vẫn trong trái tim tôi

Tôi bắt đầu vào trường Nội trú Ninh Bình năm 1968. Lúc đó chỉ khoảng 13 - 14 tuổi. Cũng như nhiều bạn bè khác, tôi được gia đình đưa vô đây. Nói là trường chứ thật ra không giống như bây giờ, tất cả đều bí mật trong rừng. Khóa tôi học là khóa 2, và học cho đến khoảng năm 1972 thì tôi được chuyển ra ngoài.

Chỉ riêng lớp tôi, 2 năm bị bom giặc đốt cháy 3 lần, thầy trò phải cùng nhau dựng lại và cùng bảo vệ trường, lớp. Nhiều học trò lớn trong các lớp đã bắt đầu biết sử dụng súng, cùng với du kích đánh giặc (những lúc không có giờ lên lớp), chống càn, bắn máy bay...

Việc học thời ấy kết hợp với thực tiễn nên rất có ý nghĩa giáo dục. Nhất là rèn luyện lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc, và kiến thức là hành trang để sau này cống hiến, trưởng thành. Nhiều thế hệ học sinh từ trường ra đã trở thành cán bộ cách mạng cả trong giai đoạn chiến tranh lẫn hòa bình sau này.

Tôi vẫn còn nhớ nhiều thầy cô của trường Nội trú Ninh Bình và vẫn giữ được liên lạc như thầy Ba Châu (ở Bạc Liêu), cô Thu Vân (ở Cà Mau), cũng như nhiều thầy cô khác. Và ngôi trường xưa vẫn luôn hiện hữu trong trái tim tôi.

Phan Anh - Kim Phượng (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.