Xuồng ba lá quê tôi…

Thứ Ba, 12/05/2015 | 08:34

Chiếc xuồng ba lá, một trong những vật dụng gắn liền với người dân miền sông nước quê tôi. Xuồng đã cùng người dân quê tôi dãi nắng dầm mưa, trải qua bốn mùa khó nhọc. Xuồng vẫn âm thầm chở che những ước mơ tuổi nhỏ.

Nhớ lắm những sớm tinh sương, mẹ chèo xuồng ra chợ sớm, nhớ lắm dáng cha gầy lướt nhẹ trên sông vào mùa nước nổi. Nhớ lắm những chiều nội chèo xuồng mang cho cháu mấy cái bánh lá dừa, từng con cua đồng nội vừa bắt và mấy trái ổi vừa mới chín sau nhà. Nhớ lắm những trưa hè, chèo xuồng dọc triền sông cùng lũ trẻ trong xóm, khẽ hát thầm những câu hát không đầu không cuối; hái đầy rổ hoa điên điển mang về cho mẹ nấu canh chua, hay muối dưa; cùng nhau vẫy nước tung tóe cả một góc sông quê trong cái nhìn ái ngại của người lớn. Chiếc xuồng vẫn theo người dân quê tôi qua những ngày mưa ngày nắng, vẫn chở đầy ước vọng của những người dân sông nước quê tôi.

Nội kể, cha tôi được sinh ra trên xuồng ba lá vào một đêm trăng tháng Tám, nên đời ông gắn với chiếc xuồng, cây dầm, tấm lưới. Ngày cha đi bộ đội, nội tôi bơi xuồng tiễn con trong đêm mưa thao thiết, hành trang cha mang theo là nỗi nhớ được cất giấu trong ánh mắt, nụ cười. Rồi không biết từ lúc nào chiếc xuồng ba lá ấy đã gắn kết cái nợ trăm năm của cha mẹ lại với nhau. Mẹ làm giao liên cho xã, ngày vào ra căn cứ mấy bận. Mẹ bảo: “Ngày đó cha bây hiền khô hà. Bận ấy, cha bây chuyển công tác nên sợ không gặp mẹ nữa nên trước ngày ổng đi, ổng đã ngỏ lời... và mới có một lũ nheo nhóc như bây nè”. Mỗi lần nghe mẹ kể lại chuyện ngày xưa xa lắc, tôi lại thấy yêu thêm những khoảnh khắc yên bình, yêu thêm mảnh đất tôi đã sinh ra và lớn lên…

Ảnh minh họa: B.T

Giữa những năm tháng quê hương bị bom cày đạn xới, những chiếc xuồng ba lá vẫn nhẹ lướt trên sông, lướt qua những cuộc hành trình đến với độc lập tự do của dân tộc, xuồng chở che bộ đội, xuồng tải đạn, xuồng dệt nên những tình yêu nồng nàn cháy bỏng... Xuồng theo người dân đi biểu tình, đưa du kích sang sông, xuồng ba lá luồn lách qua những con kênh rạch chằng chịt và chật hẹp. Từ độ cha ông đi mở cõi, xuồng đã gắn bó son sắt, là “đôi chân của người dân Nam bộ”. Xuồng đã theo người dân quê tôi suốt chiều dài của lịch sử, làm nên những chiến công oai hùng của toàn dân tộc.

Rừng tràm vẫn ngát hương trên mảnh đất anh hùng, chiếc xuồng ba lá lại trở về cuộc sống đời thường theo một cách rất riêng. Hồn hậu và đượm tình. Bằng cách này hay cách khác, xuồng ba lá vẫn mãi đi vào đời sống như hơi thở của mỗi người dân sông nước quê tôi. Mãi mãi thầm lặng như thế. Để những người xa quê lại cất công tìm kiếm những ký ức ngọt ngào của quê hương. Giản dị và chân quê như đúng cái tên người đời đặt cho nó: xuồng ba lá. Chỉ đơn giản vì nó được ghép bởi ba tấm ván. Gồm có hai tấm ván be và một tấm ván đáy. Giữ xuồng được vững chắc, người ta dùng những chiếc “cong” tạo thành bộ khung mô phỏng bộ xương sườn của cá. Cứ thế những chiếc xuồng ba lá lại ung dung lướt trên nhánh sông quê bềnh bồng đêm chợ nổi, lại lướt nhanh trên những cánh đồng ngày giáp hạt, lại rộn ràng những đêm giăng câu thả lưới…

Với một dân tộc mà thời gian sống trong bom đạn nhiều hơn thời gian sống trong thời bình thì trong tiềm thức của những thế hệ sau luôn có trong lòng mình tình yêu đất nước. Mà tình yêu ấy, luôn được bắt nguồn từ những tình yêu nhỏ nhất. Nền tảng đó là sức mạnh cho mọi tình yêu lớn lao, vượt qua những khuôn khổ nhỏ bé để hòa vào cái lớn lao của khát vọng. Giống như những người dân quê tôi, vẫn kiên trì bám đất, giữ từng tấm lưới, cây dầm, từng bông tràm trắng tinh trong nắng sớm…

Và sáng nay trên nhánh sông quê, những chiếc xuồng lại theo dòng nước tỏa đi, chở đầy những khát khao của tình người, tình đất phương Nam.

KIÊN AN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.