TP. Bạc Liêu: Quan tâm phát triển​ du lịch sinh thái

Thứ Sáu, 12/08/2022 | 17:10

Một trong những định hướng chiến lược của TP. Bạc Liêu trong phát triển du lịch chính là phát triển du lịch sinh thái (DLST). Định hướng này không chỉ giúp TP. Bạc Liêu khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có, mà còn góp phần phát triển thương mại, dịch vụ từ DLST.

Du khách tham quan hệ thực vật phong phú với nhiều loại lan rừng tại Vườn chim Bạc Liêu.

GIÀU TÀI NGUYÊN

Một trong những điểm DLST khá hấp dẫn nằm gần trung tâm thành phố chính là Khu bảo tồn thiên nhiên Vườn chim Bạc Liêu với hàng trăm loài chim quý khác nhau.

Vườn chim Bạc Liêu là một phần còn sót lại của thảm rừng ngập mặn ven biển, do sự bồi tụ tự nhiên đã ngày càng xa dần biển Đông. Với diện tích 125ha vùng lõi và 258ha vùng đệm bao gồm 19ha rừng nguyên sinh, nơi đây cư trú khoảng 46 loài chim, trong đó có những loài như giang sen, cốc đế nhỏ… được ghi vào sách đỏ, 150 loài động vật hợp cùng 109 loài thực vật tạo thành một quần thể động, thực vật phong phú, thể hiện cao tính đa dạng sinh học. Vườn chim Bạc Liêu có cảnh quan thiên nhiên đẹp và đặc biệt có hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư tương đối tốt… là một trong những điểm có đủ điều kiện để khai thác phát triển thành khu DLST hấp dẫn du khách với các hoạt động tham quan chim, rừng ngập mặn, kết hợp nghỉ dưỡng…

Song, việc cần làm cho Vườn chim Bạc Liêu hiện nay chính là gắn công tác bảo tồn với xây dựng và hình thành các dịch vụ vui chơi, giải trí theo hướng du lịch nông nghiệp và khám phá. Bởi vườn chim đã hội tụ tất cả các yếu tố thuận lợi về giao thông, cảnh quan, môi trường và có cả một quần thể sinh thái rất đa dạng và phong phú.

Một điểm DLST khá đặc sắc khác nữa và phản ánh sinh động sự giao thoa về văn hóa của 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa chính là khu Vườn nhãn Bạc Liêu (Giồng Nhãn Bạc Liêu).

Khu du lịch này nằm cách trung tâm TP. Bạc Liêu khoảng 6km, trải dài gần 7km theo tuyến đường ven biển từ phường Nhà Mát đến xã Vĩnh Trạch Đông với diện tích hơn 173ha. Điểm nổi bật ở nơi đây là những vườn nhãn với nhiều gốc nhãn cổ, có cây lên đến hàng trăm năm tuổi. Thêm vào đó là một khung cảnh đồng quê đặc trưng cho nông thôn vùng ĐBSCL, tạo thành một không gian sinh thái nông nghiệp hấp dẫn có thể tổ chức các hoạt động du lịch đa dạng như: nghỉ cuối tuần, sinh thái, ẩm thực…

Hiện nay, khu Vườn nhãn Bạc Liêu đã triển khai thực hiện Đề án bảo tồn nhãn cổ gắn với phát triển du lịch, với tổng số 1.110 gốc nhãn thuộc sở hữu của 48 hộ dân trên địa bàn xã Hiệp Thành và xã Vĩnh Trạch Đông. Hiện đang triển khai thực hiện giai đoạn 2 của Đề án với mục tiêu là hình thành 3 cụm với tổng số 339 cây nhãn cổ để đẩy mạnh công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển DLST và du lịch cộng đồng với trọng tâm là vừa tham quan trải nghiệm vườn nhãn cổ, vừa thưởng thức nhãn, thưởng thức các loại hình văn hóa, ẩm thực của các dân tộc sinh sống trên địa bàn.

Những điểm DLST này thật sự là tài nguyên quý cho khai thác du lịch và góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp. Đồng thời, mở ra cơ hội cho thương mại, dịch vụ phát triển, giải quyết thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn.

Du khách trải nghiệm mô hình bắt nghêu tại biển Nhà Mát (TP. Bạc Liêu). Ảnh: T.A

KHAI THÁC DU LỊCH BIỂN

Một tài nguyên du lịch khác cũng được xác định là thế mạnh mà TP. Bạc Liêu đã và đang đẩy mạnh thu hút đầu tư chính là phát triển du lịch gắn với biển, dải rừng ngập mặn và sinh thái nông, ngư nghiệp, du lịch vườn, du lịch kết hợp với tham quan điện gió.

Do đặc điểm tự nhiên, biển của TP. Bạc Liêu không có các bãi tắm nước xanh, cát trắng, song có những nét độc đáo của hệ sinh thái ngập mặn như cảnh quan rừng ngập mặn với kênh rạch chằng chịt, các sản vật phong phú, có giá trị cao, hệ thống các trang trại, khu nuôi trồng thủy sản và đặc biệt hiện nay thành phố đang tập trung phát triển các dự án điện gió khu vực ven biển, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Những dự án này có thể khai thác phát triển du lịch theo hình thức các khu du lịch nghỉ dưỡng, nghỉ cuối tuần gắn với tham quan điện gió và du khách có thể trực tiếp trải nghiệm văn hóa và cuộc sống của cư dân vùng ven biển như: bơi xuồng, câu cá, đổ đó, bắt tôm hoặc bắt nghêu trên bãi bồi ven biển…

Bên cạnh đó, TP. Bạc Liêu đang vận động người dân cải tạo vườn tạp trồng cây ăn trái; hướng dẫn nông dân chuyển đổi nghề từ sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng rau sạch, hoa kiểng, nuôi cá kiểng, phát triển mô hình kinh tế trang trại để hình thành và phát triển DLST, làng nghề, nhà vườn…, nhất là phát triển mô hình du lịch homestay để phục vụ khách nội địa và quốc tế.

Song, muốn phát triển mô hình du lịch mang tính tích hợp này thì cần được đầu tư đồng bộ và phát huy vai trò của du lịch cộng đồng. Hiện chỉ mới được đầu tư hình thành một số khu, điểm tham quan như: Khu du lịch Nhà Mát; khu điện gió…

Mục tiêu của TP. Bạc Liêu là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và phấn đấu trở thành một trong những trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, qua đó tạo bước đột phá, phát triển toàn diện du lịch cả về phạm vi, quy mô và chất lượng, đảm bảo phát triển bền vững, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nền kinh tế, du lịch thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp. Đồng thời, khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch của thành phố gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các di tích lịch sử, hệ sinh thái… Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, cộng với quyết tâm cao, tin rằng Đảng bộ và Nhân dân TP. Bạc Liêu sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu này, đưa DLST trở thành một trong những thế mạnh cạnh tranh về du lịch của khu vực ĐBSCL và cả nước.

Tú Anh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.