Tết đoàn viên

Thứ Hai, 23/01/2017 | 16:43

Khép lại năm cũ, đón chào năm mới, những “ngày tư ngày tết” luôn là lúc mọi người mong đợi nhiều nhất trong quỹ thời gian của 365 ngày. Đường phố xôn xao, tấp nập những dòng người, ai nấy tất bật sắm sanh chuẩn bị “ăn” tết; những chuyến xe đường dài cũng đông khách hơn để đưa những người làm ăn xa xứ trở về sum họp gia đình. Tôi gọi tết cổ truyền Việt Nam là “Tết đoàn viên”…

“Tết, về nhà trên hết”, “Quà nào bằng gia đình sum vầy, tết nào vui hơn tết đoàn viên”… Đến những mẫu quảng cáo còn “tranh thủ” dịp tết để gửi những thông điệp đầy ý nghĩa đến mọi người. Cho nên khi xem một đoạn quảng cáo mà nhiều người thấy rưng rưng (trái với bình thường quảng cáo luôn gây khó chịu cho người xem truyền hình). Đoạn quảng cáo nói về những người vì cuộc mưu sinh và những nghề vì lợi ích chung của mọi người mà không được về sum họp bên gia đình… Hay một đoạn quảng cáo khác dựng cảnh đôi vợ chồng gia chủ đón tết với đủ đầy bánh mứt “cái gì cũng có, chỉ thiếu tụi nó”, nên trông chờ sự trở về của con cháu, để rồi khoảnh khắc sum vầy đã vỡ òa trong niềm vui và xúc động…
Cho nên, không lấy làm lạ khi dư luận “dậy sóng” trước phát biểu gây sốc của một nữ nhà văn trẻ: bỏ tết cổ truyền của dân tộc. Nhiều ý kiến có vẻ cực đoan, nhưng không sai khi phản bác với quan niệm bỏ tết cổ truyền Việt Nam. Đúng vậy, tết là lúc mọi người tạm gác những lo âu, toan tính suốt một năm dài, tạm ngưng cái guồng quay mệt nhoài như chong chóng sau hơn 300 ngày mỏi mệt để sum vầy, đón một năm mới bình yên, ấm áp bên gia đình. Tôi yêu cái không khí bận rộn trang hoàng, sắm sanh cho ba ngày tết. Những người đàn ông thì dọn dẹp, sơn phết lại nhà cửa, những người phụ nữ tính toán bài toán kinh tế gia đình như mua sắm những gì để đón tết đủ đầy mà không phung phí, thực hiện tinh thần tiết kiệm, những đứa trẻ con xúm xít cùng người lớn đi mua quần áo mới, mỗi buổi sáng được cha mẹ đánh thức sớm hơn thường ngày để đón tết bởi tết mà ngủ trưa là “uổng” đi một ngày… Người ta tiếc từng ngày một trôi qua, như câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu: “Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua…”.

Không có không khí nào vui và khiến người ta náo nức như tết. Màu đỏ của liễn tết; màu xanh của những chiếc bánh tét, bánh chưng, dưa hấu; màu vàng của hoa mai, hoa cúc; màu hồng của hoa đào và vô số những loài hoa xuân đã trang hoàng cho mùa xuân thêm rực rỡ… Dọn dẹp nhà cửa xong thì dòng người lại đổ xô nhau đến những quầy mua sắm, những chợ hoa để “mang xuân về nhà”. Những công việc của cơ quan, công sở được tạm gác lại để mọi người tề tựu bên gia đình, mỗi người một việc để cái tết trở thành những ngày đoàn viên đầy ý nghĩa. Ai bảo tết cổ truyền gây mất thời gian, tốn hao tiền bạc và đưa nhiều người vào những thói quen xấu như “gầy sòng chè chén”, bài bạc đỏ đen… Đó chỉ là mặt trái của tết; nhưng không riêng tết, mà bất cứ lễ hội hay phong tục nào của một dân tộc, một vùng miền dường như đều có những mặt trái đáng tiếc nếu chúng ta không tự điều tiết hành động của chính mình…
Tết muôn đời vẫn đẹp, vì đó là sự trở về đầy ý nghĩa của những thành viên trong gia đình, để những tổ ấm yêu thương thật sự đủ đầy, chan chứa thương yêu! Trong xã hội hiện đại như ngày nay, khi cuộc sống tất bật, bộn bề những lo toan thì tết càng trở nên ý nghĩa với những khoảnh khắc sum vầy ngắn ngủi. Cho nên, một món quà quý để biếu cho ông bà, cha mẹ và những người thân không phải là những thứ quà cáp được mua bằng tiền, mà chính là sự trở về bên nhau, những cuộc gặp gỡ để hàn huyên, tâm sự. “Tết đoàn viên”, tôi gọi như thế vì những ý nghĩa vô cùng đẹp đẽ, thắm tình mà tết mang về trong lòng mỗi người…
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.