Đưa ông Táo về trời...

Thứ Hai, 24/01/2022 | 16:54

Thấy tờ lịch in ngày 23 tháng Chạp là thấy không khí Tết ngập tràn từ nhà ra ngõ. Lễ cúng ông Táo cũng mang tính chất chuyển giao năm cũ với năm mới, kể từ ngày này, người dân tất bật hoàn tất những công việc còn lại để đón xuân về.

Một gia đình chuẩn bị lễ vật cúng ông Táo. Ảnh minh họa: N.T

Phong tục đưa ông Táo

Cứ đến ngày 23 tháng Chạp, mọi người lại làm mâm cơm cúng tiễn Táo Quân hay còn gọi là ông Công, ông Táo về chầu Trời. Đây là nét đẹp văn hóa của người Việt lưu truyền qua bao đời nay. Theo truyền thuyết dân gian, ông Táo là vị thần quan sát, cai quản mọi hoạt động của gia chủ trong năm. Ông Táo được Ngọc Hoàng phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm thiện - ác của con người. Và hàng năm cứ vào ngày 23 tháng Chạp, ông Táo lại cưỡi cá chép về thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong suốt một năm qua để Ngọc Hoàng định đoạt công, tội. Chính vì thế, trong quan niệm của người Việt, 3 vị thần nhà Táo là những vị thần định đoạt cát - hung, phước đức cho gia đình. Với mong cầu cho gia đình mình được nhiều may mắn, ấm no, sung túc hơn, nên cứ vào 23 tháng Chạp hàng năm, người ta lại làm lễ tiễn ông Công, ông Táo về chầu Trời.

Vừa dọn dẹp nhà cửa, nghe tiếng rao “cò bay cỏ bế” (đọc trại của câu “cò bay ngựa chạy” - bộ cúng vàng mã dành để đưa ông Táo) là thấy nôn nao!

Cầu bình an cho gia đình

Suốt một năm gian bếp luôn đỏ lửa, thì ngày đưa ông Táo nên bày biện đủ lễ vật tại đây cho ấm cúng nhà cửa, đó là quan niệm của nhiều người. Bởi vậy, mới tờ mờ sáng, bà Nguyễn Ngọc Đẹp (xã Điền Hải, huyện Đông Hải) đã cùng con dâu làm vịt gà để chuẩn bị nấu mâm cơm cúng. Do gia đình đông người nên bà Đẹp thường nấu rất nhiều món. Bà Đẹp bộc bạch: “Trước cúng sau dùng, vì thế tôi thường nấu những món mà con cháu thích, cũng là để bày mâm cúng thật trang trọng. Cúng xong thì con cháu cùng tề tựu ăn bữa cơm gia đình. Vào ngày này, không khí gia đình tôi vui vẻ, ấm cúng hơn hẳn”. Nét văn hóa này đã được gia đình bà Đẹp giữ gìn từ khi bà lập gia đình, sinh con cho đến dựng vợ gả chồng cho các con.

Tùy điều kiện gia đình, phong tục vùng miền sẽ có những mâm cúng khác nhau. Đối với nhiều gia đình không cúng món mặn như nhà bà Đẹp thì họ cũng bày biện cho đủ lễ là vài món ngọt như bánh bông lan, kẹo thèo lèo, bộ vàng mã… Nhiều nhà cũng đổ rau câu hình cá chép cùng thỏi vàng, hoặc nấu xôi nếp cẩm, lá dứa in hình cá chép. Còn một số gia đình ở trọ cũng đưa ông Táo đơn sơ với nén nhang, dĩa bánh mứt. Chị Oanh (quê tỉnh Kiên Giang, trọ tại Phường 2, TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Vợ chồng tôi thuê nhà trọ ở đây nhưng cũng đưa ông Táo theo đúng tục lệ quê mình. Chủ yếu là tấm lòng nên tôi thường mua bánh kẹo, bộ vàng mã về cúng”.

Thật ra, mâm cúng hoành tráng hay đơn giản thì cũng đều là tấm lòng, sự thành kính dâng lên các vị Táo của gia chủ. Điều cuối cùng ở lại chính là lời nguyện cầu những điều tốt lành cho gia đình, bình an cho người thân.

Đưa ông Táo về Trời cũng là dịp để các gia đình nhìn lại những gì được - mất của một năm để tiếp tục phấn đấu trong năm mới. Lễ cúng tiễn ông Táo cùng với không khí mua sắm, dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa… càng làm cho mọi người nôn nao về một cái tết đang gần kề.

Ngọc Vũ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.