Di tích “rủ nhau” xuống cấp trong mùa dịch

Thứ Tư, 08/12/2021 | 15:11

Ngân sách eo hẹp, khó tập trung con người để sửa chữa cùng sự tác động của biến đổi khí hậu, dịch bệnh... là những nguyên nhân dẫn đến việc hàng loạt di tích văn hóa - lịch sử “rủ nhau” xuống cấp. Thực trạng trên kéo dài không chỉ gia tăng mức độ hư hại của di tích, mà kinh phí tu bổ cho các công trình này cũng lớn dần theo thời gian.

 Triều cường dâng cao khiến đình An Trạch bị ngập nước.

SỬA CHỮA CHẮP VÁ

Những ngày qua, sáng chiều hai buổi, người dân khóm 2, Phường 5 (TP. Bạc Liêu) đều chứng kiến cảnh đình An Trạch - di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia bị ngập trong dòng nước. Người dân muốn vào đình cúng bái thì chỉ còn cách lội nước bì bõm. Nhiều người cho hay, tình trạng này cứ lặp đi lặp lại suốt nhiều năm qua.

Anh Trần Văn Mới sinh ra và lớn lên ở khóm 2, có nhiều kỷ niệm tuổi thơ với ngôi đình, nhất là những dịp theo cha mẹ đi dự lễ hội Kỳ Yên. Vì vậy, anh vui mừng khi đình An Trạch được công nhận là di tích cấp quốc gia, nhưng cũng xót xa khi nơi đây ngày càng xuống cấp. “Mỗi lần triều cường dâng cao là y như rằng sân đình thành một cái ao. Chưa kể, di tích này đã “già yếu” nên nhiều chỗ bị hư hại. Dịch bệnh hoành hành, đời sống của nhà nào cũng chật vật nên khó lòng vận động tôn tạo lại di tích”, anh Mới chia sẻ.

Trong bối cảnh phải dốc toàn lực cho phòng, chống dịch COVID-19, ngân sách chi cho nâng cấp di tích của tỉnh càng trở nên hạn hẹp. Cả năm qua, tổng kinh phí dành cho công tác tu bổ các di tích quốc gia chỉ có khoảng 150 triệu đồng từ ngân sách không thường xuyên của Sở VH-TT-TT&DL. Do đó, các di tích chỉ có thể triển khai sửa chữa nhỏ như: thay bóng đèn, sơn phết, gia cố cột, kèo hay thay thiết bị nhà vệ sinh…

Không chỉ các di tích mang tầm quốc gia, cơ sở vật chất của nhiều di tích cấp tỉnh cũng không tránh khỏi việc xuống cấp. Tọa lạc ở xã Phong Thạnh Tây A (huyện Phước Long), Đền thờ phúc thần Thái phó đô đốc Trần Quang Diệu là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, giáo dục truyền thống đấu tranh và mang niềm tự hào của Nhân dân địa phương. Nhiều lần, ngôi đền hơn 100 tuổi rơi vào cảnh dột nát, ẩm mốc. Ban trị sự di tích dù đã cố gắng xã hội hóa, song nguồn lực cũng chỉ đủ sửa chữa chắp vá, kinh phí tới đâu thì làm tới đó.

Bề mặt Đồng hồ Thái Dương đã bị hư hỏng. Ảnh: H.T

CẦN SỰ ĐẦU TƯ BÀI BẢN

Trong hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh, việc duy tu di tích theo hình thức nhỏ giọt là điều dễ hiểu. Song, về lâu dài và cũng để hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư kém hiệu quả thì các di tích trên địa bàn tỉnh cần được tôn tạo kịp thời và bài bản hơn.

Anh Trần Văn Bảo - Trưởng phòng nghiệp vụ Ban Quản lý di tích tỉnh, cho biết: “Dịch bệnh không chỉ khiến việc triển khai thi công bị hạn chế, các địa phương cũng gặp khó trong vấn đề cân đối ngân sách đầu tư sửa chữa di tích. Tuy nhiên, công tác bảo vệ di tích luôn được Ban và chính quyền các cấp đặc biệt lưu tâm, cụ thể là đã phối hợp khảo sát, thẩm định thực trạng mức độ xuống cấp của các di tích. Trên cơ sở đó, Sở VH-TT-TT&DL đã kịp thời xin chủ trương và được UBND tỉnh đồng ý cho tu bổ đối với nhiều di tích quan trọng”.

Trong năm 2022, các di tích xuống cấp với mức độ nghiêm trọng, đặc biệt là di tích xếp hạng cấp quốc gia sẽ được tỉnh ưu tiên ngân sách nâng cấp. Đơn cử như Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu sẽ được rót kinh phí hơn 3,4 tỷ đồng để nâng nền sân, nâng cấp lan can xung quanh nhà biểu diễn, cải tạo khu vệ sinh cho du khách. Hay di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi) sẽ tiến hành duy tu lại nhà trưng bày, nhà dịch vụ, nhà chiếu phim, mái che phủ thờ… Còn TP. Bạc Liêu cũng sẽ khẩn trương sửa chữa di tích lịch sử - văn hóa Đồng hồ Thái Dương để làm địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống lịch sử và phục vụ phát triển du lịch.

Để công nhận một di tích là việc khó và để phát huy giá trị di tích đó càng khó hơn. Chính vì vậy, công tác bảo tồn di tích là việc làm cấp thiết, lâu dài cần sự chung tay của chính quyền các cấp và xã hội.

HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.