Quốc phòng - An ninh
Chuyện chống dịch ở những “đơn vị đặc biệt”
Ở những đơn vị đặc thù như: Trại tạm giam, Cơ sở cai nghiện ma túy hoặc nơi huấn luyện chiến sĩ mới… đều đang áp dụng biện pháp “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, quyết không để dịch bệnh COVID-19 có điều kiện xâm nhập và lây lan.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra nơi ăn ở, sinh hoạt của học viên cai nghiện ma túy qua camera giám sát. Ảnh: T.Đ
“NỘI BẤT XUẤT, NGOẠI BẤT NHẬP”
Xác định tầm quan trọng của hoạt động huấn luyện chiến sĩ mới, Trung đoàn 894 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thời gian gần đây đã “đóng cửa” với mọi giao tiếp bên ngoài. Thượng tá Huỳnh Văn Đợt - Chính ủy Trung đoàn cho biết, đơn vị luôn duy trì nghiêm quy định cán bộ, chiến sĩ (CBCS) không tiếp xúc với bên ngoài. Hàng ngày, đơn vị đều bố trí đầy đủ nước sát khuẩn, chiến sĩ ra thao trường huấn luyện luôn giữ khoảng cách an toàn, mọi người đều đeo khẩu trang. CBCS thường xuyên làm vệ sinh doanh trại, riêng đơn vị thường xuyên được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cử người xuống phun thuốc khử khuẩn…
Theo Thượng tá Huỳnh Văn Đợt, 54 chiến sĩ mới đang huấn luyện tại đơn vị này đều đã thông báo cho gia đình biết việc không được thăm gặp. Ngay cả lễ tuyên thệ chiến sĩ mới diễn ra vào ngày 11/6 tới đây, Trung đoàn cũng làm nội bộ theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu 9. Nghĩa là không có sự tham dự của gia đình chiến sĩ và khách mời lãnh đạo bên ngoài.
Ở Tiểu đoàn 4 (thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nam Bộ - đóng tại xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi), 180 chiến sĩ mới đang tham gia huấn luyện tại đây bắt đầu “cấm trại” từ 10 giờ sáng 30/4/2021 cho đến khi có lệnh mới. Toàn đơn vị áp dụng biện pháp “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, các trường hợp đặc biệt phải xin ý kiến tới lãnh đạo Trung đoàn.
Tiểu đoàn 4 được chỉ đạo chủ động phối hợp với cơ quan y tế địa phương tổ chức cách ly, theo dõi số CBCS được giải quyết chế độ (phép, tranh thủ, chính sách…) và thực hiện công tác bên ngoài khi trở lại đơn vị làm việc, đặc biệt là số CBCS trở về từ các khu vực, địa phương có dịch. Mặc dù mọi sinh hoạt diễn ra trong khuôn viên khép kín nhưng do số lượng chiến sĩ khá đông nên Tiểu đoàn luôn tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi để có cách ly kịp thời trường hợp CBCS có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và báo cáo ngay cho cơ quan y tế để tránh lây lan trong đơn vị.
Trung tá Đặng Xuân Phú - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4 cho biết, lễ bế giảng khóa huấn luyện chiến sĩ mới diễn ra vào ngày 13/6 tới, tất cả sẽ tập trung về Trung đoàn Cảnh sát cơ động (tại TP. Cần Thơ) để đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
Hiện tại, hoạt động huấn luyện chiến sĩ mới trên địa bàn tỉnh đang diễn ra trong an toàn dịch bệnh.
RÀNG BUỘC DÀNH CHO “ĐỐI TƯỢNG ĐẶC BIỆT”
Trại tạm giam - Công an tỉnh hiện đang giam giữ hơn 100 bị can, phạm nhân (gọi tắt can, phạm nhân). Việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho số đối tượng này được trại đặt lên hàng đầu. Đơn vị thường xuyên tổ chức phun xịt thuốc sát khuẩn khu vực hành chính, phòng làm việc, phòng ở của CBCS và khu vực giam giữ; bố trí hệ thống nước rửa tay sát khuẩn; trang bị khẩu trang y tế phục vụ tốt cho CBCS và can, phạm nhân. Từ khi dịch bệnh bùng phát, Trại tạm giam thực hiện chia khẩu phần ăn từng CBCS trong khay riêng biệt.
Dù đang làm tốt công tác ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài, nhưng đơn vị vẫn bố trí 2 phòng để dự phòng cách ly khi CBCS có dấu hiệu nghi mắc bệnh hoặc liên quan đến các đối tượng F3, F4. Bố trí các buồng giam, phòng giam dự phòng để cách ly can, phạm nhân mới nhập trại kết hợp khai báo y tế bắt buộc. Tất cả can, phạm nhân nhập trại phải qua kiểm tra kỹ sức khỏe, kiểm tra thân nhiệt, ghi nhận đầy đủ thông tin vào phiếu khám sức khỏe.
Trại tạm giam đã dừng việc giải quyết cho can, phạm nhân thăm gặp thân nhân, hạn chế gửi quà; tăng cường CBCS ứng trực, hướng dẫn, niêm yết thông báo hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đối với khách hoặc thân nhân của can, phạm nhân đến liên hệ giải quyết các công việc cần thiết. Đáng chú ý, đơn vị này đã xây dựng tài liệu tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh và niêm yết từng buồng giam để can, phạm nhân nắm và thực hiện đúng; có phương án phân loại, cách ly can, phạm nhân mới nhập trại một cách chặt chẽ… Đại tá Lê Thái Nguyên - Giám thị Trại tạm giam, nhấn mạnh: “Đơn vị kiên quyết không để sơ hở bất cứ nguồn nào dẫn đến lây lan dịch bệnh vào trong cơ sở giam giữ”.
Môi trường sinh hoạt đối với 331 học viên ở Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh cũng không khác nhiều so với Trại tạm giam. Từ ngày 20/5, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo tạm dừng tiếp nhận học viên mới và tổ chức cho thân nhân đến thăm gặp học viên (người nghiện ma túy) đang cai nghiện tại cơ sở này cho đến khi có thông báo mới. Ông Nguyễn Bê On - Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh cho biết, chủ trương này đã được thông báo đến 100% gia đình học viên. Nhằm chặt đứt nguồn lây dịch bệnh, cơ sở cũng vừa ban hành thông báo tạm dừng tiếp nhận tiền gửi dịch vụ trực tiếp tại cơ sở, chuyển sang tiếp nhận tiền gửi dịch vụ qua bưu điện và cửa hàng Viettel từ ngày 30/5/2021. Trong thời gian dừng hoạt động thăm gặp, cơ sở sẽ tăng thêm số ngày cho học viên kết nối, liên hệ với gia đình bằng điện thoại cố định của đơn vị vào ngày thứ Ba và thứ Năm hàng tuần.
TẤN ĐẠT
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới