Nhịp sống đô thị
Liên hoan Đờn ca tài tử TP. Bạc Liêu: Hướng đến việc bảo tồn toàn diện loại hình nghệ thuật độc đáo
Đêm 16/9/2013, Liên hoan Đờn ca tài tử (ĐCTT) TP. Bạc Liêu đã khai mạc. Đây là hoạt động chào mừng sự kiện văn hóa trọng đại của tỉnh - Festival ĐCTT Việt Nam 2014 - được tổ chức tại Bạc Liêu. Đồng thời, vừa là sân chơi bổ ích, vừa là cơ hội để các nghệ nhân tập dượt, sẵn sàng cho sự kiện lớn của tỉnh…
![]() |
Bé Trần Tố Như (đội phường Nhà Mát) thực hiện phần thi tại liên hoan. Ảnh: N.V |
Liên hoan ĐCTT TP. Bạc Liêu diễn ra đúng vào thời khắc ngày Giỗ Tổ cổ nhạc và kỷ niệm 94 năm ra đời bản “Dạ cổ hoài lang”. Cho nên, về mặt ý nghĩa thì có thể xem đây là một đợt Giỗ Tổ cổ nhạc với quy mô lớn, cùng hướng về cội nguồn và cùng suy nghĩ, hành động tích cực cho sự phát triển của phong trào, để ĐCTT thật sự xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng thời, thông qua liên hoan lần này, thành phố rút kinh nghiệm để tổ chức liên hoan ĐCTT truyền thống hằng năm.
“Điểm cộng” đầu tiên ghi nhận tại liên hoan là các nghệ nhân đờn, ca đều biểu diễn với một phong thái khá tự tin, cho nên phần thi diễn khá suôn sẻ. Một vài đội cũng làm mới phần mở màn như giới thiệu các thành viên trong đội bằng cách hát một, hai câu cùng với ban nhạc, tạo sự hấp dẫn cho khán giả. Điển hình như đội xã Vĩnh Trạch Đông đã “chào sân” bằng ngũ điểm bài tạ cùng với ban nhạc, thể hiện đúng chất tài tử một cách độc đáo!
Một “điểm sáng” nữa là liên hoan có nhiều thế hệ cùng tham gia. Đơn cử như đội phường Nhà Mát. Chưa nói đến chất lượng ca diễn, nhưng khi bước ra sân khấu, đội này đã ghi được 3 điểm “độc và lạ”: có thí sinh lớn tuổi nhất (chú Triệu Minh Hồng, 82 tuổi), thí sinh nhỏ tuổi nhất (bé Trần Tố Như, 7 tuổi) và một “nghệ sĩ mù” - Nguyễn Văn Để chơi đờn cò. Việc huy động nhiều tầng lớp, đối tượng tham gia liên hoan đã làm bật lên tính chất của hai chữ tài tử.
Bé Trần Tố Như là một trong những thế hệ kế thừa có tiềm năng, bởi bé được sống trong gia đình có 3 thế hệ đam mê ĐCTT. Tố Như thổ lộ: “Con thích hát ĐCTT lắm! Ở nhà nghe ông nội, cha và mấy chú đờn, hát là con muốn hát theo. Rồi ông và cha cũng tập cho hát dần. Bây giờ con thuộc nhiều bài lắm!”. Tuy chưa có được chất giọng và cách xử lý điêu luyện như các nghệ sĩ chuyên nghiệp, nhưng chuyện bé Như mạnh dạn bước lên sân khấu đã góp phần cho liên hoan thêm sinh động. Và sâu xa hơn, đây là tài năng cần được chăm bồi.
Một nét lạ nữa được ghi nhận tại liên hoan, là sau mỗi phần thi, các đội sẽ được Ban tổ chức hỏi một câu xoay quanh nội dung của ĐCTT: Bài Dạ cổ hoài lang do nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác vào năm nào? Có bao nhiêu câu? Có mấy câu nhịp ngoại? Kể tên các bài bản trong 20 bản tổ ĐCTT Nam bộ?... Liên hoan giống như một đợt kiểm tra toàn diện kiến thức nền của các nghệ nhân tham gia. Qua đó, trang bị cho họ vốn kiến thức cần thiết, chứ không chỉ có ngón đờn mùi, giọng ca ngọt là được.
Thật đúng với câu khẩu hiệu mà Liên hoan ĐCTT TP. Bạc Liêu đề ra: “ĐCTT - nét đẹp bản sắc Việt” khi mà nội các phần thi đều hướng đến việc bảo tồn toàn diện loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc!
Ngọc Trân
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới