Giáo dục - Học Đường

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Đề nghị Lịch sử là môn học bắt buộc

Thứ Hai, 23/05/2022 | 16:18

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội ngày 22/5, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban, đã báo cáo về việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (CTGDPT) đối với môn lịch sử (LS) bậc THPT. Theo đó, đa số ý kiến không đồng tình với việc đưa môn LS bậc THPT thành môn lựa chọn.

Giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền thờ Bác Hồ (xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi) cho các em học sinh. Ảnh minh họa: C.K

Môn LS có vị trí đặc biệt

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Nguyễn Thị Mai Hoa, ủy ban này đã có báo cáo về việc triển khai CTGDPT đối với môn LS bậc THPT. Sau thời gian lấy ý kiến, đa số không đồng tình đối với việc đưa môn LS bậc THPT thành môn tự chọn vì nhiều lý do.

Thứ nhất, LS là môn học giữ vai trò chủ đạo trong giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, LS, từ đó hình thành những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại.

Thứ hai, học sinh THPT có tuổi từ 15 - 17 là lứa tuổi quyết định sự hình thành thế giới quan, hệ thống quan điểm về tự nhiên, xã hội và về các nguyên tắc, quy tắc ứng xử, định hướng giá trị của con người. Xét về khoa học giáo dục, việc bồi dưỡng kiến thức LS cho học sinh THPT là cần thiết nhằm phát triển con người toàn diện, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của con người Việt Nam. Nếu học sinh không lựa chọn môn LS ở cấp THPT (số lượng có thể lên tới 50% học sinh), các em sẽ không được tiếp cận với những kiến thức rất quan trọng, có ý nghĩa giáo dục đối với lứa tuổi này.

Thứ ba, ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, môn LS trong chương trình THPT luôn là môn học bắt buộc…

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng môn LS có vị trí đặc biệt và có ý nghĩa rất quan trọng trong CTGDPT, học sinh cần được trang bị khối lượng kiến thức này. Vì vậy cần tiếp thu ý kiến của đông đảo cử tri, nhân dân theo hướng quy định môn LS là môn học bắt buộc đối với cấp THPT trong CTGDPT 2018 với khối lượng kiến thức phù hợp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Nguyễn Thị Mai Hoa.  Ảnh: Ngọc Thắng

Đề nghị LS là môn học bắt buộc

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp thu và quy định môn học LS bậc THPT trong CTGDPT 2018 là môn học bắt buộc. Đồng thời thiết kế bao gồm khối lượng kiến thức LS (phần bắt buộc) và khối lượng kiến thức định hướng nghề nghiệp (phần lựa chọn).

Đề nghị Bộ GD-ĐT tăng cường công tác tuyên truyền về CTGDPT 2018 nói chung, chương trình môn LS nói riêng để tăng thêm sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội trong việc triển khai thực hiện CTGDPT 2018, đồng thời truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn LS.

Thảo luận tại kỳ họp, nhắc lại quá trình Bộ GD-ĐT xây dựng và ban hành CTGDPT 2018, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội - Nguyễn Thị Kim Thúy cho hay việc “sửa môn LS thành bắt buộc không đơn giản như gõ bàn phím, thay từ “lựa chọn” thành “bắt buộc” là xong”.

Theo bà Thúy, quá trình xây dựng, ban hành CTGDPT 2018 đã xin ý kiến góp ý đầy đủ các cấp trước khi ban hành và với môn LS, trước khi ban hành cũng được xin ý kiến và sự đồng ý của Hội Khoa học LS.

Dưới góc độ khoa học giáo dục, bà Thúy phân tích nếu sửa môn LS thành bắt buộc thì phải sửa cả chương trình môn học này ở cấp THCS. Vì chương trình phân môn LS ở cấp này đã đưa toàn bộ những nội dung nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi về LS Việt Nam và thế giới.

Việc dạy học bắt buộc là đại trà. Do vậy, nếu đưa chương trình môn LS vốn được thiết kế, biên soạn theo hướng lựa chọn, phân hóa, “nâng cao” ở cấp THPT để bắt tất cả học sinh học là hoàn toàn không phù hợp.

Bên cạnh đó, bà Thúy cho rằng việc sửa trong bối cảnh này có phù hợp không hay là “đẽo cày giữa đường” khi chỉ còn 3 tháng nữa là năm học mới bắt đầu. “Chúng ta phải xem xét thật kỹ” - bà Thúy nêu và cho rằng Bộ GD-ĐT có khoảng trống trong tuyên truyền, phổ biến và mọi việc để chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện.

T.L (tổng hợp)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.