Giáo dục - Học Đường
Hệ thống Trung tâm Giáo dục thường xuyên: Cần được quan tâm đầu tư đồng bộ
Những năm gần đây, chất lượng giáo dục - đào tạo của các Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ ngành Giáo dục giao phó. Tuy nhiên, nhìn chung, hầu hết các trung tâm này vẫn chưa được đầu tư về các điều kiện dạy học, từ đó, khó có thể phát huy thành tích giáo dục cũng như tăng khả năng thu hút học viên.
Chất lượng giáo dục đã nâng lên
Sau khi học xong lớp 9, em Hồng Việt Minh quyết định nghỉ học vì cảm thấy năng lực của mình không đủ để vào trường THPT và thêm nữa là điều kiện gia đình quá khó khăn. Thế nhưng, khát vọng được đặt chân vào giảng đường đại học cứ luôn thôi thúc trong em. Vậy là em đã “đầu quân” vào Trung tâm GDTX huyện Giá Rai để theo đuổi ước mơ. Nhờ thầy cô nhiệt tình giảng dạy và nhất là nhờ nỗ lực của bản thân, từ điểm xuất phát ban đầu là học sinh trung bình - yếu, sau 3 năm, Hồng Việt Minh đã vươn lên thành học sinh khá - giỏi và thi đỗ vào trường Đại học Cần Thơ.
![]() |
Trung tâm GDTX huyện Vĩnh Lợi phải mượn cơ sở vật chất trường THCS Hưng Hội để tổ chức lớp học. Ảnh: C.H |
Đó là minh chứng sống động, cho thấy chất lượng giáo dục - đào tạo của các Trung tâm GDTX đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nếu như trước đây, chất lượng giáo dục của các trung tâm gần như bị “thả nổi” bởi bao cái khó vây quanh: cơ sở vật chất, phương tiện dạy học thiếu thốn, đội ngũ giáo viên yếu tay nghề, “đầu vào” thấp… thì một vài năm gần đây, chất lượng đã được vực dậy, phần nào tạo dựng được niềm tin trong xã hội.
Theo ông Trương Văn Lễ, Giám đốc Trung tâm GDTX huyện: “Trong 3 năm nay, Trung tâm GDTX huyện Vĩnh Lợi đều có học sinh giỏi vòng tỉnh, vòng khu vực. Nhất là trong năm học vừa qua, trung tâm có 100% học viên đỗ tốt nghiệp THPT. Trong đó, có 5 em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng”.
Mặc dù ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện dạy và học còn hết sức khó khăn, nhưng trong thời gian qua, nhờ thực hiện nhiều biện pháp như: dạy học theo trình độ, bố trí giáo viên hợp lý, tích cực bồi dưỡng học sinh giỏi… Từ đó, Trung tâm GDTX các huyện Giá Rai, Đông Hải, Hồng Dân đã đạt được thành tích cao trong đào tạo. Nếu chúng ta biết rằng “đầu vào” của các Trung tâm GDTX là những học sinh nghỉ học lâu năm, những học sinh bị lưu ban hoặc thi trượt vào các trường THPT… mới thấy thành quả đó là sự nỗ lực không mệt mỏi của thầy trò ở những đơn vị này.
Chưa được quan tâm đầu tư?
Toàn tỉnh hiện có 7 Trung tâm GDTX, trong đó có 6 Trung tâm GDTX huyện và 1 Trung tâm GDTX tỉnh với khoảng 1.000 học viên. Mặc dù so với nhu cầu học tập thì cơ sở vật chất của các Trung tâm GDTX cơ bản đáp ứng được, nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ có Trung tâm GDTX huyện Hòa Bình là khá tươm tất, còn các trung tâm khác đều chật hẹp, cũ kỹ, thiếu phương tiện giảng dạy. Cô Hoàng Thị Mai, Trung tâm GDTX huyện Giá Rai, phản ánh: “Cơ sở vật chất của Trung tâm GDTX huyện Giá Rai xuống cấp, diện tích thì nhỏ, bàn ghế cũ, mục... Hễ tới mùa mưa thì lớp bị dột, nước ngập trắng cả sân trường và lớp học. Thầy trò phải ngồi trên sàn nước ngập mà dạy, mà học”.
Hơn thế, có những Trung tâm GDTX sau một thời gian dài “khai sinh”, đến nay vẫn còn phải mượn tạm cơ sở khác để tổ chức giảng dạy như: Trung tâm GDTX huyện Vĩnh Lợi và huyện Đông Hải.
Nói về những khó khăn của Trung tâm GDTX huyện Vĩnh Lợi, ông Trương Văn Lễ, cho biết: “Mặc dù được thành lập đã 6 - 7 năm nay, nhưng chúng tôi vẫn chưa có “cơ ngơi” riêng. Có một dạo chúng tôi phải mượn tới 3 địa điểm để dạy học. Vì là cơ sở mượn nên chỉ có phòng học, chứ không có phòng chức năng và việc tổ chức sinh hoạt ngoại khóa cũng gần như không có. Dự án xây trung tâm đã có cách nay 2 năm, song còn vướng khâu giải phóng mặt bằng nên không biết khi nào mới khởi động”.
Theo quy định, khi học sinh bị các trường loại ra trong kỳ thi tuyển sinh đầu cấp THPT là sẽ được đưa vào các Trung tâm GDTX để các em có cơ hội học tiếp ở những bậc cao hơn. Thế nhưng, chính hệ thống cơ sở vật chất của các Trung tâm GDTX trên địa bàn tỉnh vẫn nghèo nàn, “không bắt mắt” đã khiến không ít học sinh quyết định rẽ sang hướng khác. Hơn thế nữa, do cơ sở vật chất thiếu thốn đã kéo theo sự bị động về hoạt động dạy học, làm ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng trong thời gian tới.
Hiện nay, Trung tâm GDTX gánh trên vai rất nhiều chức năng: đào tạo nghề, bổ túc văn hóa, đào tạo chứng chỉ tin học… Vì vậy, trước những khó khăn mà các Trung tâm GDTX đang đối mặt, đòi hỏi các ngành chức năng phải quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và nhiều điều kiện dạy học khác.
Nguyễn Phương
- Bạc Liêu - Cà Mau tiếp tục họp bàn kịch bản tăng trưởng, mục tiêu phát triển cho tỉnh mới sau hợp nhất
- Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước, 3 bị can đã và đang làm việc tại Công ty Xổ số kiến thiết Bạc Liêu bị khởi tố
- Triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” trong Bộ Quốc phòng
- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Thông qua các đề án sắp xếp đơn vị hành chính
- Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam: Tập huấn công tác giảm nghèo tại Bạc Liêu