Hệ lụy của sự lãng phí tài nguyên nước

Thứ Năm, 29/08/2019 | 07:20

Tài nguyên nước muốn nói ở đây là nước trong lòng đất - nước ngầm. Nước ngầm không phải là “của trời cho” và cũng không là vô tận như nhiều người vẫn nghĩ. Nước ngầm là tài nguyên Quốc gia - mà còn là tài nguyên chiến lược. Vì vậy nó cũng phải được bảo vệ, quản lý chặt chẽ như bao thứ tài nguyên khác.

Tuy nhiên, từ ý thức nước ngầm là “của trời, của chùa” nên mạnh ai nấy khai thác, tiêu xài phung phí. Và chính sự phung phí đó dẫn đến nhiều hệ lụy cả trước mắt và cả lâu dài.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - trong đó có Bạc Liêu - một vùng “địa lý trũng” là nơi có trữ lượng nước mặt (nước mưa, ao hồ, sông rạch) nhiều nhất so với các vùng miền khác. Vậy mà nguồn nước này, vài thập kỷ gần đây người ta không còn mặn mà tận dụng trong sinh hoạt, thậm chí có nơi đã đoạn tuyệt hẳn (do nước đã ô nhiễm với nhiều loại hóa chất, nước không còn trong lành, thiên nhiên như xưa). Nhưng cái chính là nguồn nước ngầm có sẵn, dễ khai thác, “tự do” khai thác… thì tội gì phải bỏ công tìm kiếm…

Ở ĐBSCL, từ thành thị đến nông thôn, giờ đây hầu như nhà nào cũng có giếng khoan (thường gọi là “đóng cây nước”) để khai thác nước ngầm, có nhà có đến ba, bốn cây nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, cả vùng lên đến nhiều triệu giếng khoan lấy nước ngầm. Ở một tỉnh nhỏ như Bạc Liêu cũng có con số trăm ngàn giếng… Có thể thấy, giờ đây cái gì cần đến nước là người ta nghĩ ngay đến việc khai thác nước ngầm - “đóng cây nước”! Nước cho sinh hoạt: đóng cây nước. Cho chăn nuôi: đóng cây nước. Cho sản xuất lúa, hoa màu: đóng cây nước. Cho xây dựng: đóng cây nước. Cho nuôi trồng thủy sản: đóng cây nước. Cho các dịch vụ: đóng cây nước… đến nỗi “nước ngầm bị khai thác quá sức chịu đựng, vượt tầm kiểm soát” như nhận định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nhưng hệ lụy từ việc khai thác tràn lan này mới đáng lo hơn. Bởi “ĐBSCL đang “chìm” dần do khai thác nước ngầm quá mức” - như tựa đề một bài báo, đăng trên báo Lao Động hôm tháng 6 vừa rồi. Theo khảo sát, đo đạc của Hội Địa chất và Thủy văn Việt Nam, tính đến năm 2015, mực nước ngầm ĐBSCL bị tụt giảm xuống khoảng 15m - Hiện tại năm 2019 này còn tụt sâu hơn. Trước đây không lâu, khi khoan xuống lòng đất 100m là có nước ngầm, hiện tại phải khoan gấp đôi, đôi khi còn không có nước. Theo khảo sát, ước tính mỗi năm mực nước ngầm ĐBSCL tụt xuống 40cm - điều này đồng nghĩa với việc bề mặt mặt đất cũng “chìm” xuống. Đây cũng là điều kiện để nước biển dâng cao và xâm nhập mặn sâu vào lòng đất. Nó là hệ lụy “đúng quy luật” của tự nhiên khi bị con người “can thiệp”: Mực nước tụt xuống - mặt đất sụt lún - nước biển xâm nhập - mất đất! Mà khởi đầu là do con người khai thác nước ngầm bừa bãi, quá mức - Mật độ khai thác càng nhiều, lún càng nhiều, càng sâu.

Kết quả đo đạc của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trong các năm 2014, 2015 và 2017 cho thấy vùng lún lớn (trên 10cm) có diện tích lên đến 3.390km2 “phân bổ” ở 9 tỉnh ĐBSCL (trong đó có Bạc Liêu và 3 tỉnh liền kề là Cà Mau, Hậu Giang, Sóc Trăng) trung bình lún 30cm/năm. Ở phạm vi hẹp hơn trong nghiên cứu này, tại phường 1, thành phố Bạc Liêu có mức sụt lún là 62,2cm - Quả thật đây là con số không khỏi “giật mình”!?

Nhưng càng “giật mình” hơn là cái việc khai thác giếng khoan (đóng cây nước) chưa có dấu hiệu dừng lại, nếu không muốn nói là “liên tục phát triển”. Rồi giếng bị hỏng, nước bị ô nhiễm, người ta tiếp tục khoan giếng mới, làm cho “hiện trường” giếng khoan vốn có mật độ dày đặc thêm… dày đặc! Điều đáng nói, trong số chủ cây nước, một bộ phận vì lợi ích kinh tế nên bất chấp; đa phần còn lại vẫn nghĩ “nước là của… chùa” như đã nói ở phần trên, và cũng không ai “thấy” thế nào là hệ lụy, tác hại, tác động đến môi trường sống…

Trong khi đó, công tác tuyên truyền, giáo dục về sự tác hại của việc khai thác bừa bãi… gần như bằng không. Các luật lệ về tài nguyên nước ngầm chưa được chặt chẽ, rõ ràng. Việc quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước chưa được triển khai, thực hiện nên khó nói đến quản lý, bảo vệ… Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt tác động tiêu cực như đã, đang và sẽ diễn ra.

Đã đến lúc (dù có chậm nhưng vẫn chưa muộn) cần có nhiều giải pháp “đối xử” với nguồn “tài nguyên chiến lược” này một cách công bằng, nghiêm khắc, chặt chẽ hơn, cần thấy đây là sự sống - còn của chính mình, của một vùng đất và cả cộng đồng. Bằng không, cái giá phải trả sẽ không đo đếm được!

N.N.K

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.