BÚA LIỀM VÀNG 2023
Thúc đẩy cán bộ dám nghĩ, dám làm
Bài 2: Đằng sau câu chuyện cán bộ chưa “dám nghĩ, dám làm”
>>Bài 1: Khi cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”
Ngược lại với tư duy “dám nghĩ, dám làm” là tâm lý e ngại, thích đi theo lối mòn, không muốn va chạm, không muốn ra khỏi vùng an toàn của không ít cán bộ, công chức. Thậm chí có không ít cán bộ còn có tư duy sợ sai, sợ trách nhiệm, việc gì không có lợi cho bản thân thì… không làm!
Tại Bạc Liêu, vẫn còn đó ngổn ngang những công trình, dự án dang dở không được giải quyết đến nơi đến chốn; hàng loạt chỉ số đánh giá của người dân, doanh nghiệp bị xếp thấp... Đằng sau câu chuyện về cán bộ “dám nghĩ, dám làm” vẫn còn nhiều điều đáng để suy ngẫm.
Dân khổ vì cán bộ đùn đẩy trách nhiệm
Nói về các công trình dự án ì ạch, chậm tiến độ thì không thể không nhắc đến khu dân cư (KDC) Thiên Long ở TP. Bạc Liêu. Nó gần như là một điểm trừ khá lớn vào vai trò quản lý, điều hành của chính quyền các cấp vẫn hiện hữu trong lòng đô thị Bạc Liêu.
Vốn là dự án dành cho người có thu nhập thấp đầu tiên của tỉnh, ở thời điểm khởi công, KDC Thiên Long mang đến niềm hy vọng an cư lạc nghiệp cho người dân thành phố, nhất là những người có thu nhập rất thấp. Nhưng cùng với thời gian, người nào có khả năng đã bỏ chạy khỏi khu này, chỉ còn lại những hộ dân đành gánh gồng vì điều kiện kinh tế chưa cho phép. Gần 10 năm đã trôi qua, cho dù biết chủ đầu tư dự án có nhiều sai phạm, lại không đủ năng lực tài chính, nhiều hạng mục không thực hiện đúng phương án được phê duyệt, không hoàn thiện hạ tầng, không đảm bảo cơ sở pháp lý đối với yêu cầu cấp sổ đỏ cho nhiều hộ dân, nhưng việc giải quyết của chính quyền lại không đến nơi đến chốn. Nhiệm kỳ nào, trước và sau Kỳ họp HĐND nào, tiếp xúc cử tri trên địa bàn TP. Bạc Liêu đều có cử tri đặt vấn đề liên quan đến KDC Thiên Long. Nhiều lần, UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo, giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở TN-MT, Sở Tài chính, Trung tâm Phát triển quỹ nhà và đất tỉnh, UBND TP. Bạc Liêu và các sở, ngành, đơn vị chức năng có liên quan tiến hành nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý xung quanh các khó khăn, vướng mắc tại đây để thống nhất đề xuất hướng xử lý trình UBND tỉnh xem xét. Nhưng chờ mãi cũng chẳng thấy hướng xử lý. Có thể do giao cho nhiều đơn vị, sở, ngành, nên không ai muốn đứng ra chịu trách nhiệm chính, không đơn vị nào muốn nhận cái khó về mình. Cuối cùng, chỉ có người dân đang sinh sống tại đây là chịu khổ.
Hạ tầng Khu dân cư Thiên Long (Phường 5, TP. Bạc Liêu) ngày càng xuống cấp, là hệ quả từ việc thiếu quyết đoán trong điều hành, quản lý. Ảnh: K.P
Vì sao cán bộ không dám nghĩ, dám làm?
Có thể khẳng định, cán bộ không dám nghĩ, dám làm trước hết đến từ năng lực. Năng lực yếu, hạn chế, dĩ nhiên không dám làm, vì làm thì sợ sai, sợ chịu trách nhiệm và ảnh hưởng đến sự phát triển về sau của cán bộ!
Đơn giản như câu chuyện về phân quyền liên quan đến Nghị quyết 33/NQ-CP 2023 của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh. Trong Nghị quyết, Chính phủ giao quyền cho các địa phương tự quyết; chấm dứt việc đùn đẩy trách nhiệm, gây khó khăn hoặc chậm trễ trong giải quyết các thủ tục triển khai dự án bất động sản trên địa bàn; tập trung đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án… Tuy nhiên, trên thực tế, các địa phương đều không dám chủ động thực hiện, mà phải chờ hướng dẫn.
Chỉ riêng chuyện bán đấu giá các tài sản công trên địa bàn tỉnh, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh đã có nhiều cuộc họp để yêu cầu các sở, ngành, đơn vị chủ quản của tài sản phải nhanh chóng triển khai, tính toán, hoàn tất thủ tục để sớm bán tài sản nhằm thu tiền về cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, theo thống kê, đến nay vẫn còn 23 đơn vị, địa phương chưa báo cáo; trong các đơn vị đã báo cáo thì có một số vẫn chưa đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu. Mặc dù Chủ tịch UBND tỉnh đã xem xét chấp thuận cho bán trước một số cơ sở nhà, đất dôi dư không có nhu cầu sử dụng như trụ sở UBND Phường 5 và UBND Phường 7 cũ (TP. Bạc Liêu); Bệnh viện Đa khoa huyện Phước Long (cũ); trụ sở Huyện ủy Đông Hải (cũ) nhưng đến nay các cơ sở này vẫn chưa bán xong với đủ lý do. Trong khi ai cũng nhận thức được, tiền thu được từ bán đấu giá tài sản công sẽ góp phần tạo nguồn thu ngân sách nhà nước để tái đầu tư xây dựng, cải tạo trụ sở làm việc và đầu tư phát triển cho địa phương. Tuy nhiên, nhận thức là thế nhưng để bắt tay vào làm thì vẫn chưa ngành, địa phương nào dám vì chưa có hướng dẫn. Và tình trạng “án binh bất động” như thế đã làm tài sản công bị lãng phí đầy xót xa!
Bên cạnh nguyên nhân chủ quan, cũng cần nguyên nhân khách quan mà phần nhiều đến từ hệ thống pháp luật của ta chưa đồng bộ, còn nhiều chồng chéo. Minh chứng rõ nhất là trên lĩnh vực cải cách hành chính, có không ít việc, các cơ quan muốn cải cách, muốn triển khai thực hiện thì vấp ngay phải sự phản đối của không ít sở, ngành chủ quản, tuýt còi. Họ cho rằng, luật không cho phép; quy trình phải đảm bảo bao nhiêu bước. Giống như việc bán tài sản công của Nhà nước, tỉnh cho chủ trương, cho phép dùng cơ chế mở nhưng sở, ngành nói không, làm vậy sai quy định… Sự bất cập này buộc cán bộ có thể đã “dám nghĩ” nhưng không “dám làm” bởi những ràng buộc đến từ cơ chế!
Kim Phượng
Có 2 nhóm cán bộ “sợ trách nhiệm”
Trong lần tranh luận tại nghị trường Quốc hội trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng, một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm phân làm hai nhóm. Một là, nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm, vì không có lợi ích riêng. Hai là, nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật, nên không dám làm. Chưa nói đến hiện tượng cán bộ suy thoái, chỉ đề cập đến cán bộ sợ trách nhiệm sợ sai, không muốn làm cũng đã đủ thấy nguy hại cho dân, cho nước. Còn tồn tại càng nhiều dạng cán bộ này, nhất là khi họ lại đảm nhiệm những vị trí của người đứng đầu đơn vị, địa phương hay sở, ngành, thì chẳng mong gì nơi đó, địa phương đó có sự phát triển vượt trội, có nhiều sáng kiến hữu ích. Còn nếu là cán bộ, công chức giữ các vị trí việc làm khác nhau, thì cũng chỉ làm việc theo phân công, tới tháng lãnh lương theo kiểu “sáng vác ô đi, chiều vác ô về”, có cũng được, mà không có cũng có người khác thay thế.
Trung ương cũng đã sớm nhận ra vấn đề, khi mà trong các kỳ giao ban gần đây, Thủ tướng Chính phủ liên tục nhắc nhở, giao Chủ tịch UBND các địa phương phải chịu trách nhiệm quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc được phân cấp, ủy quyền. Không trình, báo cáo công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình lên Chính phủ, Thủ tướng và các bộ ngành. Không lạm dụng việc lấy ý kiến các cơ quan Trung ương để né tránh trách nhiệm. Chủ động xử lý những công việc trong thẩm quyền đã để chậm trễ, kéo dài.
Mới đây, liên quan đến thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu thay thế cán bộ, công chức không dám làm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm và bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm. Nhưng thay thế như thế nào, bảo vệ ra làm sao để không bị quy chụp là làm không đúng, cơ chế nào, quy định pháp luật nào vẫn còn đặt ra nhiều vấn đề lớn, không hề dễ dàng giải quyết.
K.P
- Chính phủ tôn vinh, đối thoại Tổ công nghệ số cộng đồng
- Hội thao môn thực hành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024
- Xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có người vi phạm nồng độ cồn
- Tổng kết Năm Dân vận khéo cấp tỉnh tại xã Ninh Quới A và kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng
- Họp mặt các doanh nghiệp nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam