BÚA LIỀM VÀNG 2023
Thúc đẩy cán bộ dám nghĩ, dám làm
Bài 1: Khi cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”
Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, việc “dám nghĩ, dám làm” có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng và của cả đất nước nói chung. Nếu không có bản lĩnh, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, không dám đưa ra những quyết định táo bạo, đột phá thì người cán bộ lãnh đạo không thể hoàn thành những nhiệm vụ, trọng trách nặng nề mà Đảng và Nhân dân giao phó.
Từ chủ trương của Đảng
Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm không chỉ là việc cán bộ quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao, mà còn thể hiện ở tinh thần dám đấu tranh chống lại những biểu hiện tiêu cực, dám đứng lên phê phán, nhìn thẳng vào những khuyết điểm của bản thân, của tập thể, của đồng nghiệp và của cấp trên.
Nghị quyết 05, ngày 20/6/1988 của Hội nghị Trung ương 5 Khóa VI, về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng bảo đảm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng” lần đầu tiên đưa “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” trở thành một tiêu chuẩn đối với cán bộ lãnh đạo, là tuyên ngôn chính trị mạnh mẽ của Đảng ta về phẩm chất cần có của những con người cách mạng. Đây thật sự đã cởi trói cho cán bộ, đảng viên của ta từ tư tưởng đến hành động, để từ đó Đảng ta chứng kiến sự thay đổi, chứng kiến những con người lãnh đạo thật sự “dám nghĩ, dám làm”. Ở tầm vĩ mô, đã có tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, như đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế, khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước của đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh; “những việc cần làm ngay” và “cơ chế thị trường” của đồng chí Nguyễn Văn Linh; xóa bỏ tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, “ngọt hóa” vùng Tứ giác Long Xuyên, xây dựng đường dây tải điện 500kV của đồng chí Võ Văn Kiệt; chuyển đổi hệ thống ngân hàng, chính sách tỷ giá phù hợp với cơ chế thị trường của đồng chí Đỗ Mười... Ở thời điểm đó, dám thay đổi tư duy và cơ chế quản lý ở những người đảng viên, những cán bộ lãnh đạo quản lý không chỉ thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng của người cộng sản, mà còn thể hiện cái tâm trong sáng, tấm lòng yêu quê hương, yêu Nhân dân, việc gì có lợi cho dân thì phải làm, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.
Qua các kỳ đại hội, tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ luôn được Đảng ta coi trọng. “Dám nghĩ, dám làm” qua mỗi thời kỳ được biểu hiện một cách khác nhau tùy vào đặc điểm tình hình và những nhiệm vụ trọng tâm của cách mạng thời kỳ đó.
Hộ ông Đỗ Thành Hưng đồng ý tự nguyện bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công tuyến đường Võ Văn Kiệt. Ảnh: K.K
Đến minh chứng của thực tiễn
Ở thời điểm tháng 5/2023, khi thông tin trên báo chí về việc, chính quyền tỉnh Bạc Liêu sẽ giải tỏa hoàn toàn điểm nghẽn tại đường Võ Văn Kiệt, nơi tồn tại 2 căn nhà gần 2 thập kỷ vẫn chưa giải quyết được, nhiều người dân và cả cán bộ trong tỉnh vẫn “bán tín bán nghi”. Bởi đã nhiều năm đã trôi qua, việc giải tỏa 2 căn nhà này vẫn là lời hứa chưa bao giờ đi đến hồi kết của các cấp chính quyền trong tỉnh.
Ngày 11/7, gia đình ông Đỗ Thành Hưng đã đồng ý tự nguyện tháo dỡ các công trình, cây xanh để bàn giao mặt bằng (với tổng diện tích 309,3m2) cho các cơ quan chức năng triển khai thi công hoàn thành tuyến đường Võ Văn Kiệt. Thông tin trên ngay lập tức được báo chí đăng tải, và không chỉ có vậy, trên các trang mạng xã hội, người dân TP. Bạc Liêu nói riêng, Nhân dân cả tỉnh nói chung đã có những phản ứng ủng hộ tích cực. Người dân cho rằng, chính sự quyết đoán của lãnh đạo tỉnh đã chứng minh, một khi người đứng đầu thật sự kiên quyết, “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, thì không việc gì là không thể thực hiện. Việc giải tỏa tuyến đường Võ Văn Kiệt còn giúp chính quyền địa phương xóa tan những dư luận không tốt, không tích cực đã tồn tại một thời gian dài, khi không ít người tin rằng có nhiều “khuất tất” đằng sau vụ việc cũng như việc “sợ trách nhiệm” đã ăn sâu vào tư tưởng cán bộ!
Dám đương đầu, dám chịu trách nhiệm
Để có được quyết định đồng thuận tự nguyện tháo dỡ, bàn giao mặt bằng cho tỉnh thi công đường Võ Văn Kiệt của hộ gia đình đã tồn tại gần 20 năm, rất nhiều câu chuyện bên lề ít được nhắc đến. Đó có thể là những buổi bàn bạc thâu đêm, để đưa ra các phương án có thể xảy ra, những tình huống giả định cần chỉ đạo của người đứng đầu chính quyền, người đứng đầu cấp ủy. Đó là nhiều lần đối thoại, gặp gỡ với hộ gia đình của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh. Đó còn là sự có mặt sớm nhất tại hiện trường, sự tiếp xúc chân tình nhất của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng với các thành viên và người có uy tín nhất trong gia đình, để từ đó tháo gỡ vướng mắc, động viên, trấn an họ. Trực tiếp đến với gia đình, vào nhà cùng uống trà với chủ hộ, cùng trao đổi và lắng nghe, việc có mặt của người đứng đầu Tỉnh ủy đã giúp hộ gia đình cảm thấy thêm yên tâm, niềm tin càng được củng cố.
Ở góc độ chính quyền, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Phạm Văn Thiều trong nhiều lần trả lời báo chí trong các cuộc họp báo đã cho biết, tỉnh kiên quyết trong xử lý giải tỏa tuyến đường Võ Văn Kiệt. Ông Thiều khẳng định, chủ trương của tỉnh vẫn là tuyên truyền, vận động 2 hộ dân chấp hành theo hướng có lợi nhất cho người dân; nhưng nếu không có tiếng nói chung, UBND tỉnh cũng đã quyết tâm cưỡng chế thu hồi đất, bàn giao mặt bằng để làm đường. Còn việc giải quyết trong giai đoạn trước đây, tỉnh sẽ xử lý trách nhiệm cán bộ làm sai trong việc thu hồi đất, ai sai sẽ xử lý không bao che.
Đáng mừng hơn, sau hộ ông Đỗ Thành Hưng tự nguyện bàn giao, hiện tại hộ bà Nguyễn Thị Hường (hộ còn lại) cũng đã đồng ý đối thoại, hợp tác với tỉnh để sớm bàn giao mặt bằng thi công thông thoáng tuyến đường.
Giải phóng mặt bằng vốn là một bài toán khó, và câu chuyện 20 năm không thể giải quyết được 2 hộ dân rõ ràng là một nốt trầm trong sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức quyết tâm đưa Bạc Liêu phát triển. Nhưng khi bài toán được giải bằng sự quyết tâm và trên cơ sở xác định được việc làm đó là đúng đắn, cần thiết, nhất là không vụ lợi, được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân, vì lợi ích chính đáng của dân.
Đáng tiếc, không phải bài toán nào cũng được tháo gỡ hiệu quả với sự kiên quyết, kiên trì, trên tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” như vậy! Ngổn ngang những công trình, dự án dang dở không được giải quyết đến nơi đến chốn; hàng loạt chỉ số đánh giá của người dân, doanh nghiệp bị xếp thấp... đằng sau câu chuyện về cán bộ “dám nghĩ, dám làm” vẫn còn nhiều điều đáng bàn!
Kim Phượng
- Chính phủ tôn vinh, đối thoại Tổ công nghệ số cộng đồng
- Hội thao môn thực hành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024
- Xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có người vi phạm nồng độ cồn
- Tổng kết Năm Dân vận khéo cấp tỉnh tại xã Ninh Quới A và kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng
- Họp mặt các doanh nghiệp nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam