BÚA LIỀM VÀNG 2023
Lắng nghe dân để xây dựng chính quyền thân thiện
Bài cuối: Nâng cao chỉ số tín nhiệm của dân với chính quyền
>>Bài 2: Khi tiếng nói của người dân chưa được xem trọng
Vô cảm, thờ ơ trước những bức xúc, nỗi khổ của người dân đang trở thành căn bệnh nguy hiểm của một bộ phận cán bộ có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức công vụ. Chính vì thế, muốn được lòng dân, khắc phục tình trạng xa dân thì các cấp ủy, chính quyền, nhất là mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức đúng đắn vai trò vô cùng quan trọng của việc lắng nghe dân, phải thật sự coi mình là công bộc của dân chứ không phải những ông quan cách mạng như Bác Hồ đã từng cảnh báo.
Ban giám sát đầu tư cộng đồng ấp 13 (xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình) giám sát chất lượng tuyến đường giao thông sau khi đưa vào sử dụng. Ảnh: H.T
TRỊ BỆNH “NGẠI” LẮNG NGHE DÂN
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Muốn biết cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu thì cách tốt nhất là hỏi dân”. Người chỉ ra một loạt căn bệnh cản trở cán bộ lắng nghe dân như: thói kêu ngạo, quan liêu, công thần… Trong thực hiện Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị khóa XII, Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của xây dựng vững chắc thế trận lòng dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Vì lẽ đó, trị bệnh “ngại” lắng nghe dân là nhiệm vụ hàng đầu hiện nay để các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh làm tốt việc “xây” đi đôi với “chống”, cũng là cách để cán bộ tự bảo vệ mình trước những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Là một đại biểu dân cử, qua các cuộc tiếp xúc cử tri, ông Nguyễn Huy Thái - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu nhận ra rằng, nhiều việc lẽ ra người dân đã phản ánh với địa phương từ trước (phạm vi thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương), song cử tri vẫn “chừa lại” để chuyển tải tới đại biểu Quốc hội, bởi đó là những vấn đề chưa được giải quyết. Đại biểu cho rằng, sự lắng nghe của chính quyền chỉ thật sự có được khi tạo cho người dân một tâm thế sẵn sàng nói. Muốn vậy, chính quyền phải chủ động cung cấp những thông tin mà người dân quan tâm để dân có cơ sở thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh. Từ đó, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề diễn ra trong đời sống xã hội. Ông Nguyễn Huy Thái chia sẻ: “Cán bộ, công chức không có cách nào tự bảo vệ mình hiệu quả hơn bằng sự tin tưởng, ủng hộ, hậu thuẫn của người dân. Với người dân, không có động lực đóng góp, sáng tạo nào cao hơn khi nhận thấy mình được tôn trọng, lắng nghe, phát huy vai trò, trách nhiệm công dân trước những cán bộ mà mình tin yêu, gửi gắm niềm tin”.
Lực lượng Công an huyện Phước Long cùng với người dân xã Hưng Phú dặm vá, duy tu đường nông thôn. Ảnh: C.L
SAO CHO ĐƯỢC LÒNG DÂN
Chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp xúc, đối thoại với dân là chuyện không mới nhưng luôn được người dân đồng tình, ủng hộ. Bởi, đây là một trong những kênh để người dân kiến nghị, nói lên những vấn đề bức xúc liên quan đến đời sống hay lợi ích chung của địa phương. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chính quyền gần gũi, thấu hiểu khó khăn, nguyện vọng chính đáng của dân, tìm cách hóa giải nỗi lo của dân.
Tiếp tục kế thừa “sứ mệnh” của Pháp lệnh 34 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội khóa XV ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2023. Để luật đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai những nội dung trọng tâm, điểm mới của luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và đảm bảo sự thống nhất trong thực thi dân chủ cơ sở. Trong đó, luật nêu rõ, người dân có quyền đề xuất sáng kiến, tham gia ý kiến, bàn và quyết định đối với các nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định; kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo… với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở.
Ở góc độ vừa là cán bộ hưu trí, vừa là người dân, ông Trương Minh Chiến - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, bày tỏ: “Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở ra đời có ý nghĩa tiếp tục làm sâu sắc giá trị, bản chất Nhà nước ta là Nhà nước dân chủ, đưa quyền làm chủ của dân đi vào thực chất chứ không phải hô hào khẩu hiệu. Muốn như vậy, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, từ cán bộ, đảng viên, hội viên đến đoàn viên phải nhận thức sâu sắc, nhất quán quan điểm và hành động trong thực thi dân chủ cơ sở. Trong phục vụ Nhân dân, công chức Bộ phận “một cửa” góp phần rất lớn trong xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa chính quyền với người dân, do đó phải đặt mình vào hoàn cảnh của người dân để lắng nghe, tận tình hướng dẫn và giải quyết các thủ tục hành chính cho dân”.
Song song với nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, đưa nông thôn trở thành làng quê đáng sống, huyện Hồng Dân đang quyết tâm xây dựng bộ máy chính quyền trọng dân, gần dân và vì dân. Trong mọi chủ trương, phong trào của huyện trước và sau khi đưa vào cuộc sống đều tổ chức công khai trước dân, họp dân để bàn bạc, đóng góp ý kiến và khuyến khích người dân tham gia giám sát, phản ánh.
Ông Nguyễn Văn Thới - Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, cho biết: “Để xứng đáng là những công bộc của dân, huyện sẽ tăng cường chỉ đạo, quán triệt cho tất cả cán bộ không được né tránh, hạn chế tiếp xúc với người dân trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh giữa chính quyền với Nhân dân. Cán bộ, công chức phải thường xuyên đi cơ sở để nghe dân trình bày các vấn đề còn chưa rõ, bức xúc, từ đó giải quyết kịp thời, nhanh chóng các vấn đề liên quan đến đời sống của dân, không để phát sinh điểm nóng trên địa bàn. Đặc biệt, thông qua việc lắng nghe dân sẽ tiếp nhận những thông tin phong phú, có giá trị để địa phương xem xét, điều chỉnh những chủ trương, chính sách sao cho phù hợp thực tiễn, thuận lòng dân”.
Cách nay 78 năm, trên báo Cứu Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Sao cho được lòng dân”. Bài báo tuy ngắn nhưng có ý nghĩa lịch sử, còn nguyên tính thời sự cho đến hôm nay. Đội ngũ cán bộ tỉnh nhà phải xem “sao cho được lòng dân” không chỉ là lời căn dặn, bài học quý mà Bác dành cho mình, mà còn là sự nhắc nhở, mục tiêu để bản thân hướng đến trong thực thi chức trách nhiệm vụ với dân.
Lắng nghe dân, nói thì dễ nhưng để làm hiệu quả thì không hề dễ dàng. Chỉ khi dân chủ cơ sở được thực hiện thực chất, ý kiến của người dân được cấp thẩm quyền lắng nghe, vai trò giám sát, phản biện được phát huy, trách nhiệm công dân được ghi nhận thì chỉ số tín nhiệm, hài lòng của dân với cán bộ mới được nâng cao. Lúc đó, bộ máy chính quyền sẽ ngày càng thân dân, được dân ủng hộ và hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả hơn.
CHÍ LINH - HỮU THỌ
- Chính phủ tôn vinh, đối thoại Tổ công nghệ số cộng đồng
- Hội thao môn thực hành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024
- Xem xét trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có người vi phạm nồng độ cồn
- Tổng kết Năm Dân vận khéo cấp tỉnh tại xã Ninh Quới A và kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng
- Họp mặt các doanh nghiệp nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam