An toàn giao thông

Sông nước… chưa bình yên

Thứ Hai, 01/07/2013 | 17:33

Tháng 7/2011, cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” (VHGTVBYSN) được triển khai trong toàn tỉnh, trong đó huyện Hồng Dân là điểm chỉ đạo. Qua 3 năm triển khai, Ban chỉ đạo cuộc vận động đã chọn 5 tuyến sông, 12 bến khách ngang sông, 3 phương tiện thủy nội địa, 12 phương tiện chở khách để xây dựng thành công 4 mô hình: “Tuyến sông văn hóa an toàn”; “Bến đò ngang văn hóa, an toàn”; “Bến thủy nội địa văn hóa, an toàn”; Phương tiện văn hóa, an toàn” và thành lập 12 “Tổ an ninh nhân dân tự quản ven sông” có trên 100 thành viên.

Theo đó, nhiều địa phương, đơn vị đã triển khai thực hiện tốt chỉ đạo của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia và Ban ATGT tỉnh, tuyên truyền sâu rộng đến tận khóm, ấp, khu dân cư, từng bến khách, phương tiện… từ đó việc xây dựng mô hình đa số đạt từ 70 - 100%. Tiêu biểu trong phong trào này là các huyện Hồng Dân, Hòa Bình, Đông Hải.

Người dân vẫn cất nhà, đậu ghe tàu lấn chiếm lòng sông (ảnh chụp tại thị trấn Phước Long, huyện Phước Long). Ảnh: T.H

Chặt chẽ ngay từ khâu thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ, lựa chọn tuyến, địa bàn để xây dựng mô hình, huyện Hồng Dân đã thành lập được 9 tổ, bến, tuyến “văn hóa, an toàn”. Ban ATGT huyện Hồng Dân đã khảo sát, quy hoạch lại các bến đò ngang, cấp phép cho 62/78 bến, chiếm gần 80% số lượng bến đò ngang trên địa bàn. Chất lượng các mô hình này đã góp phần giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật về ATGT…

Có thể nói sau 2 năm thực hiện, mô hình VHGTVBYSN đã mang lại hiệu ứng tích cực, giao thông vùng sông nước được thông thoáng hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá của Đại tá Trần Phong, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo, thì mô hình còn khá nhiều khiếm khuyết. Một số địa phương triển khai mô hình chậm, không thành lập Ban chỉ đạo và phân công cán bộ phụ trách địa bàn. Một số thành viên Ban chỉ đạo cấp huyện chưa nắm hết nội dung cuộc vận động, từ đó công tác tham mưu còn nhiều hạn chế, thậm chí có địa phương không đánh giá được kết quả cuộc vận động do mình tổ chức.

Nhiều bến đò ngang ở các địa phương được chọn xây dựng mô hình điểm “Bến đò ngang văn hóa, an toàn” chưa thực hiện đầy đủ các tiêu chí. Việc treo khẩu hiệu bến, trang bị dụng cụ phao, dụng cụ nổi, bảng niêm yết giá, xây dựng nhà chờ dành cho khách, vệ sinh môi trường… chưa được quan tâm thực hiện tốt.

Có những nơi chủ bến bãi tự cơi nới, gia cố lấn chiếm ra hành lang bảo vệ luồng, một số bến bãi khai thác chứa vật liệu nặng như cát, đá gây sạt lở lấn luồng chạy tàu...

Trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia đi qua địa phận tỉnh, hiện còn 114 miệng và 55 hàng đáy đóng cố định, tất cả đều vi phạm luồng chạy tàu từ 10m - 45m. Trong khi theo quy định tại khoản 4, Điều 8, Luật Giao thông đường thủy nội địa thì hành vi “Đặt cố định ngư cụ, phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản trên luồng” là hành vi vi phạm luật cấm.

Cái “vướng” của mô hình VHGTVBYSN còn là ý thức chấp hành luật của người dân chưa cao. Ngày 22/6/2013 vừa qua, một tai nạn giao thông đường thủy đã xảy ra tại xã Vĩnh Lộc (huyện Hồng Dân) làm ông Trần Quốc Dũng tử vong. Ông Dũng nhậu say, mất lái tự đâm vào ghe hàng.

Cuộc vận động xây dựng phong trào VHGTVBYSN là cuộc vận động thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa giữa các tổ chức đoàn thể, cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân… Trong cuộc vận động này, vai trò của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng là đặc biệt quan trọng. Song song với công tác quản lý chặt chẽ địa bàn, tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân, tuần tra kiểm soát thì công tác bảo vệ luồng, hành lang ATGT, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm luôn cần thiết.

MAI ĐINH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.