An toàn giao thông
Lơ là phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”
Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” được Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh triển khai thực hiện từ đầu năm 2012, với 4 mô hình: “Xây dựng bến đò ngang văn hóa, an toàn”, “Bến thủy nội địa văn hóa, an toàn”, “Phương tiện văn hóa, an toàn” và “Tuyến sông văn hóa, an toàn”. Tuy nhiên đến cuối năm, nhiều nơi vẫn còn lơ là với phong trào này.
Huyện Phước Long là 1 trong 3 địa bàn cùng với huyện Đông Hải, Hồng Dân được chọn làm điểm chỉ đạo xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. Huyện có gần 70 bến đò khách ngang sông hoạt động, nhiều nhất so với các huyện, thành phố trong tỉnh.
Triển khai phong trào trên, huyện Phước Long chọn xã Vĩnh Phú Tây và xã Phước Long để xây dựng “Tuyến sông văn hóa, an toàn”. Thế nhưng, việc xây dựng “Tuyến sông văn hóa, an toàn”, trong đó có “Xây dựng bến đò ngang văn hóa, an toàn” tại đây luôn là vấn đề bức xúc chưa được giải quyết thỏa đáng. Nhiều người dân tự ý mở bến đò khách ngang sông không đảm bảo điều kiện và thủ tục theo quy định, các bến được mở trong khu vực chợ, tại điểm giao nhau ở các ngã ba, ngã tư sông, hoặc nhiều bến hoạt động liền kề, gây cảnh lộn xộn, mất trật tự ATGT.
![]() |
Bến phà tại ấp 3 (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) không trang bị bất cứ dụng cụ nổi cá nhân nào trên phà. Ảnh: H.P |
Khi được hỏi vì sao lại để tình trạng này kéo dài mà không có biện pháp khắc phục, ông Phan Văn Điện, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú Tây, cho biết: “Xã sẽ chỉ đạo các ngành vận động chủ phương tiện sáp nhập lại các bến đò đang hoạt động trong phạm vi gần. Đối với những bến đò không chịu sáp nhập thì UBND xã sẽ kết hợp với ngành chức năng kiên quyết xử lý dứt điểm trong thời gian sớm nhất”.
Huyện Đông Hải hiện có 36 bến đò lớn, nhỏ ngang sông. Trong đó có những bến được UBND huyện cấp phép hoạt động nhưng chưa được kiểm định chất lượng an toàn của cơ quan đăng kiểm. Mỗi ngày, các phương tiện này chở hàng mấy ngàn lượt người trên các con sông sâu, rộng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, nhưng những dụng cụ an toàn cho khách thì hầu như không có.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phó ban Thường trực Ban ATGT huyện Đông Hải: “Để xử lý các chủ phương tiện không chấp hành đúng quy định về đăng ký, đăng kiểm, trang thiết bị đảm bảo an toàn cho hành khách, chúng tôi sẽ mời các chủ phương tiện lên cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật để đảm bảo ATGT”.
Toàn tỉnh hiện có trên 200 bến đò lớn nhỏ. Không chỉ các huyện Phước Long, Hồng Dân và Đông Hải triển khai thực hiện chậm phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” mà các huyện, thành phố còn lại cũng không mấy khả quan hơn.
Theo quy định của pháp luật, một bến khách ngang sông hoạt động phải qua sự kiểm tra của không dưới 5 cơ quan, đơn vị chức năng: UBND cấp xã, Cảnh sát đường thủy, Cơ quan quản lý đường thủy nội địa, UBND cấp huyện và lực lượng Thanh tra giao thông... Thực trạng đã nêu chứng tỏ nhiều cơ quan chức năng, địa phương chưa thực hiện đúng trách nhiệm của mình. Điều này đồng nghĩa với các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa đang bị xem thường. Đề nghị các địa phương, cơ quan chức năng sớm điều chỉnh, đừng xem tính mạng và tài sản nhân dân là “chuyện đùa”.
HOÀNG PHƯƠNG (Ban ATGT tỉnh)
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới