An toàn giao thông
Công an TP. Bạc Liêu: “Ghi điểm” với mô hình cảm hóa đối tượng vi phạm Luật Giao thông
Mô hình cảm hóa đối tượng vi phạm quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT) do Công an TP. Bạc Liêu áp dụng là mô hình mới, sát với thực tế và mang lại kết quả cao. Đây là mô hình thực hiện theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Bạc Liêu về “Tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, vận động cán bộ, nhân dân tấn công trấn áp tội phạm - tệ nạn xã hội và tham gia quản lý, giáo dục người vi phạm tại cơ sở”.
Đổi mới cách làm
Sau khi lập kế hoạch vận động cán bộ và nhân dân tham gia tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội, quản lý giáo dục người vi phạm tại địa bàn dân cư, Công an TP. Bạc Liêu chọn 2 địa bàn phức tạp về tội phạm là phường 1 và xã Vĩnh Trạch Đông để thí điểm.
Đầu tiên, cơ quan công an rà soát, thống kê tất cả các loại đối tượng có biểu hiện vi phạm, có nguy cơ vi phạm và đã từng vi phạm. Tiếp đó, phân loại vi phạm, thẩm tra và mở hồ sơ cá nhân của từng đối tượng (theo dõi chặt những đối tượng cầm đầu, tổ chức cá cược; lôi kéo, kích động xúi giục tham gia hoặc cổ vũ đua xe trái phép). Sau khi trả lời được các câu hỏi: “Họ là ai?”; “Nguy cơ vi phạm pháp luật đến đâu?”; “Phải làm gì để ngăn chặn nguy cơ này?” thì tiến hành tìm, chọn những cá nhân, tập thể tiêu biểu (có khả năng tác động đối tượng) giao nhiệm vụ.
Qua 5 tháng thực hiện, mô hình đạt được kết quả tốt, tình hình vi phạm pháp luật về trật tự ATGT giảm rõ rệt.
Thượng tá Phạm Quang Chung, Trưởng Công an TP. Bạc Liêu, cho biết: “Hiện Công an thành phố quản lý trên 100 đối tượng có hành vi vi phạm về trật tự ATGT trên địa bàn, qua đó cảm hóa được 76 đối tượng, chiếm tỷ lệ 74%. Riêng 23 đối tượng có nguy cơ cao và thường xuyên vi phạm ở phường 1 và xã Vĩnh Trạch Đông đã có 12 đối tượng được cảm hóa và sửa chữa tiến bộ.”
Nhân rộng mô hình
Đối với TP. Bạc Liêu, mô hình này đã góp phần giữ vững trật tự ATGT trên địa bàn, tai nạn giao thông năm 2012 giảm trên cả 3 mặt (giảm 16 người chết) so với năm 2011.
Điều đặc biệt là nhiều đối tượng sau khi sửa đổi bản thân còn sẵn sàng hỗ trợ lực lượng công an tố giác, đấu tranh với những đối tượng vi phạm khác; có trường hợp còn tự nguyện tham gia vào lực lượng dân phòng.
Trường hợp sửa đổi tốt có thể kể đến là Phạm Hoàng Tú (thường gọi “Tú su”, ngụ phường 1). Tú nổi tiếng bởi thường dùng xe “su-xì-bo” để đua, lạng lách, đánh võng, nẹt pô. Sau thời gian được cảm hóa, Tú bán chiếc xe đua, mua xe Wave để đi lại và bắt đầu chọn nghề uốn tóc để lập nghiệp.
Bên cạnh đó còn có trường hợp của Thạch Pel (ngụ xã Vĩnh Trạch Đông). Anh Pel làm nghề sửa xe gắn máy nhưng thường xuyên tụ tập đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng gây mất an ninh trật tự địa phương. Thạch Pel được công an xã cùng một số cá nhân cảm hóa, giáo dục. Không lâu sau đó, anh đã nhận ra hành vi sai trái của mình, từ bỏ đua xe trái phép. UBND xã Vĩnh Trạch Đông đã ra quyết định công nhận Thạch Pel là thanh niên sửa chữa tiến bộ.
Từ cách làm của Công an TP. Bạc Liêu, mô hình giáo dục, cảm hóa đối tượng vi phạm Luật Giao thông được Công an tỉnh công nhận là mô hình hay và cho nhân rộng trong toàn tỉnh.
THANH HẢI
- Trao 500 suất học bổng cho học sinh khó khăn nhân sự kiện chào mừng Bạc Liêu - Cà Mau hợp nhất
- Công bố và trao các nghị quyết, quyết định về sắp xếp đơn vị hành chính và kiện toàn bộ máy tỉnh Cà Mau
- Bạc Liêu long trọng họp mặt lãnh đạo qua các thời kỳ trước thềm hợp nhất với Cà Mau
- Treo cờ Tổ quốc chào mừng sự kiện hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau
- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng: Đưa bộ máy mới vận hành hiệu quả, tạo ra những đột phá mới
- Thị trường cơ hội việc làm ngành kinh doanh quốc tế