Y tế - Sức khỏe

Nguyên nhân gây bệnh đậu mùa khỉ

Thứ Hai, 10/10/2022 | 16:33

Theo các tài liệu, chủng vi-rút gây bệnh đậu mùa khỉ thuộc chi Orthopoxvirus trong họ vi-rút Poxviridae, lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1958. Do vi-rút gây bệnh được phát hiện ở hai ổ dịch giống với căn bệnh đậu mùa xảy ra ở khỉ trong phòng nghiên cứu nên căn bệnh này cũng được gọi là bệnh đậu mùa khỉ.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại thì khỉ không phải là tác nhân dẫn đến bùng phát dịch bệnh này. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhiều khả năng loài gặm nhấm chính là nguồn lây lớn nhất nhưng vẫn chưa thể xác định chính xác.

Thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn để phòng tránh các bệnh truyền nhiễm. Ảnh minh họa: C.K

Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ

Thời gian ủ bệnh: Nếu một người không may mắc bệnh đậu mùa khỉ thì thời gian ủ bệnh và phát hiện triệu chứng có thể từ 5 - 21 ngày, tức là sau thời gian đó các triệu chứng đầu tiên của bệnh mới bắt đầu xuất hiện. Một số trường hợp, thời gian ủ bệnh kéo dài trong khoảng từ 7 - 14 ngày.

Triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ: Các triệu chứng xuất hiện đầu tiên khi một người mắc bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt (thường là triệu chứng bệnh đầu tiên), đau đầu dữ dội, đau mỏi lưng và các cơ, ớn lạnh, mệt mỏi uể oải, nổi hạch.

Sau khi có biểu hiện sốt, người bị bệnh đậu mùa khỉ có thể bị phát ban sau đó từ 1 - 3 ngày. Các dấu phát ban có thể xuất hiện ở: Trên khắp gương mặt (95% bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ đều phát ban trên mặt), lòng bàn tay, bàn chân (tỷ lệ phát ban ở lòng bàn tay, bàn chân cũng tương đối cao, lên đến khoảng 75%), miệng, mắt (bao gồm cả giác mạc và kết mạc), cơ quan sinh dục.

Đậu mùa khỉ lây qua đường nào?

Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây trực tiếp khi tiếp xúc với máu, chất lỏng trong cơ thể, giọt bắn đường hô hấp, vết thương trên da hoặc niêm mạc của người bệnh (hoặc của động vật mắc bệnh).

Ngoài ra, ăn thịt động vật bị nhiễm bệnh, tiếp xúc với các vật dụng của người bệnh (chăn ga gối nệm, khăn mặt, quần áo…), hoặc tiếp xúc với các tổn thương da của người bệnh cũng có thể khiến một người bị nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Vì thế, nếu sống chung với người đang mắc bệnh đậu mùa khỉ thì khả năng nhiễm bệnh thường khá cao. Căn bệnh này cũng có thể lây từ mẹ sang thai nhi và dẫn đến bệnh đậu mùa khỉ bẩm sinh. Trẻ sơ sinh tiếp xúc gần với mẹ trong quá trình sinh nở và sau khi sinh cũng có nguy cơ nhiễm bệnh cao nếu mẹ đang mắc bệnh.

Tuy tiếp xúc gần với người bệnh được xem như một yếu tố nguy cơ làm lây lan bệnh đậu mùa khỉ nhưng các chuyên gia cho rằng, vẫn chưa thể kết luận được việc căn bệnh này có lây truyền qua đường tình dục hay không. Cần thêm các nghiên cứu khác để xác định vấn đề này.

Phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ

Một số biện pháp có thể áp dụng để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh bao gồm:

Tránh tiếp xúc với động vật có nguy cơ nhiễm vi-rút gây bệnh đậu mùa khỉ (động vật bệnh, động vật chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu mùa khỉ, động vật nghi ngờ nhiễm bệnh…).

Thực hiện ăn chín, uống sôi. Chỉ ăn các loài động vật rõ nguồn gốc xuất xứ, đã qua kiểm định. Tránh tiếp xúc với người có nguy cơ mắc bệnh. Không chạm vào các vật dụng của người có nguy cơ nhiễm bệnh. Cách ly người có triệu chứng bệnh/có nguy cơ nhiễm bệnh. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước, hoặc sử dụng dung dịch vệ sinh tay có chứa cồn, đặc biệt là khi vừa tiếp xúc với người khác.

Dù chưa có vắc-xin ngừa bệnh đậu mùa khỉ nhưng việc tiêm vắc-xin phòng bệnh đậu mùa có thể làm giảm đến 85% nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ.

T.L (TH)

Năm lý do để không nên quá hoang mang về bệnh đậu mùa khỉ

Thứ nhất, bệnh đậu mùa khỉ không phải là bệnh dịch mới nổi như COVID-19, mà nó đã được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu.

Thứ hai, bệnh đậu mùa khỉ là bệnh lây truyền từ động vật sang người, người là ký chủ mắc bệnh vô tình. Sau khi lây truyền sang người, người bệnh sẽ lây sang người khác, nhưng lây không dễ dàng. Các nhà nghiên cứu khẳng định bệnh rất khó lây qua tiếp xúc thông thường. Chỉ khi tiếp xúc trực tiếp gần gũi, da kề da mới có khả năng lây nhiễm.

Nghiên cứu của CDC Mỹ có hơn 80% lây nhiễm ở đồng giới nam, quan hệ đồng giới qua cơ chế da kề da chứ không phải là tinh dịch. Riêng vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh sẽ dễ lây hơn. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong, sau khi sinh và cho con bú.

Thứ ba, không lây qua không khí. Khác với COVID-19, có thể lây qua giọt bắn hô hấp nhỏ như khí dung, đậu mùa khỉ lây qua những giọt bắn hô hấp lớn trong môi trường tiếp xúc gần gũi như người chăm sóc trực tiếp, bác sĩ, y tá.

Thứ tư, bệnh đậu mùa khỉ có tỷ lệ tử vong thấp, thấp hơn cả bệnh thủy đậu. Hiện nay có hai chủng, trong đó một chủng có nguồn gốc từ Congo (tỷ lệ tử vong là 10% nếu có người mắc phải) và một chủng khác lưu hành ở Tây Phi (tỷ lệ tử vong chỉ có 1%). Hiện chủng đang gây bệnh đậu mùa khỉ ở Anh và các nước ở châu Âu có nguồn gốc ở Tây Phi, với tỷ lệ tử vong thấp.

Tử vong chủ yếu là từ sự bội nhiễm vi khuẩn cơ hội theo vết thương da không được chăm sóc tốt, vi khuẩn vào tấn công cơ thể gây nhiễm trùng huyết hoặc viêm đa cơ quan. Một ít vi-rút tấn công não gây viêm màng não. Tử vong thường do biến chứng chứ không phải độc lực của vi-rút đậu mùa khỉ.

Thứ năm, những người lớn tuổi, đã từng được “trồng trái” bệnh đậu mùa thì đã có kháng thể một phần chống bệnh đậu mùa khỉ hiệu quả.

Trúc Ly (theo tuoitre.vn)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.