Y tế - Sức khỏe

“Lãnh đạo cam kết vì một Việt Nam không còn bệnh lao”

Thứ Hai, 26/03/2018 | 16:23

“Lãnh đạo cam kết vì một Việt Nam không còn bệnh lao” là chủ đề Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2018. Chủ đề này hướng đến cam kết chính trị, kêu gọi sự tham gia hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc chiến phòng, chống lao.

Xét nghiệm tầm soát là cách tốt nhất để phát hiện sớm bệnh lao. Ảnh minh họa: C.K

Bệnh lao là bệnh nhiễm trùng mạn tính rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sức lao động và là gánh nặng bệnh tật cho mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Hiện nay, dưới tác động của đại dịch HIV/AIDS, bệnh lao đã quay trở lại nhiều hơn, tăng số lượng lao kháng thuốc và là bệnh cơ hội trên những bệnh nhân suy giảm miễn dịch mắc phải do HIV/AIDS.

Lao là bệnh nhiễm một loại vi khuẩn tấn công và hủy hoại mô cơ thể. Bệnh lây truyền qua không khí. Sau một khoảng thời gian ủ bệnh, tùy vào sức khỏe người bệnh, có thể trong vài tuần cho tới vài năm, vi khuẩn lao bắt đầu hoạt động và gây các triệu chứng bệnh. Sau đó, bệnh lao xuất hiện. Đặc biệt, nếu bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu đi, chẳng hạn như khi bệnh HIV, ung thư hoặc hóa trị liệu, bệnh lao sẽ phát triển nhanh hơn. Bệnh thường ảnh hưởng đến phổi nhưng có thể lan ra đến xương, hạch bạch huyết, hệ thần kinh, tim và các cơ quan khác.

Từ năm 1998, Ngày Chống lao thế giới (24/3) được xem là ngày chính thức của Liên Hiệp Quốc và trở thành một sự kiện sức khỏe quan trọng trên toàn cầu, là dịp để truyền thông nhằm nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về bệnh lao. Qua đó, huy động chính phủ các nước, các nhà tài trợ, các tổ chức xã hội và cộng đồng cùng cam kết tăng cường hoạt động phòng, chống lao trong phạm vi mỗi quốc gia và trên toàn cầu.

Hiện nay, Việt Nam đang là nước đi đầu thế giới trong công tác phòng, chống lao vì những chiến lược mới và phù hợp. Thế giới có 54% số ca mắc lao kháng thuốc được chữa khỏi nhưng tại Việt Nam đã đạt hơn 70%. Nếu điều trị theo phác đồ 9 tháng, tỷ lệ thành công lên tới 85%. Và 98% gia đình có người mắc lao sẽ không phải đối diện với “thảm họa” như trước nữa.

Hàng năm, cả nước phát hiện và điều trị cho trên 100.000 người mắc lao với tỷ lệ chữa khỏi cao trên 90% trường hợp mắc mới. Hiện số người mắc bệnh lao đang giảm hàng năm khoảng 5 - 6%, số tử vong do bệnh lao giảm nhanh hơn. Trong hai năm (2015 - 2016), cả nước đã giảm 3.000 người chết vì lao, nguyên nhân là bệnh nhân được phát hiện sớm chủ động.

Việt Nam có kết quả điều trị bệnh lao rất tốt, phát hiện sớm tất cả các thể lao, cung cấp dịch vụ điều trị lao cho tất cả người bệnh sau chẩn đoán, điều trị lao tiềm ẩn. Chương trình chống lao vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% quận/huyện/thị xã và 100% xã/phường/thị trấn, tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%. Mạng lưới chống lao tiếp tục được mở rộng và củng cố. Hiện nay, 46/63 tỉnh, thành trên toàn quốc đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Lao. Chương trình chống lao quốc gia đã mở rộng diện tầm soát quản lý lao kháng thuốc từ 51 lên 63 tỉnh/thành phố trong cả nước. Tăng cường nghiên cứu, xây dựng một mạng lưới nghiên cứu lao và bệnh phổi, chương trình chống lao quốc gia đã áp dụng khuyến cáo của WHO trong việc sử dụng các test chẩn đoán mới như genExpert, Hain test trong phát hiện sớm bệnh lao và cắt đứt nguồn lây. Đồng thời, chương trình cũng thí điểm sử dụng các thuốc mới như Bedquiline và phác đồ điều trị lao đa kháng ngắn hạn. Mục tiêu nhằm hướng tới một thế giới không có bệnh lao, không còn ai tử vong hay mắc bệnh hoặc phải chịu những đau khổ bắt nguồn từ bệnh lao, không còn gia đình nào phải chịu những chi phí thảm khốc liên quan tới bệnh lao.

Nhằm hướng tới mục tiêu Việt Nam không còn bệnh lao cần sự trách nhiệm hơn nữa của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn thể xã hội. Cụ thể là việc quan tâm, chỉ đạo, đầu tư nhân lực, tài chính, xây dựng chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ chống lao của lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp, sự quan tâm hỗ trợ và hợp tác của các ban, ngành, đoàn thể cũng như trách nhiệm mỗi cá nhân trong cộng đồng.

BS. PHƯỚC NHƯỜNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.