Y tế - Sức khỏe

Khẩn cấp phòng chống cúm gia cầm trong mùa cao điểm dịch cúm

Thứ Hai, 18/02/2019 | 15:11

Trong mùa đông - xuân, thời tiết thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh đường hô hấp phát triển và lây lan. Các bệnh nguy hiểm thường bùng phát trong mùa đông - xuân chủ yếu là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp và tiêu hóa như: sởi, rubella, tiêu chảy do Rotavirus, viêm màng não do não mô cầu và đặc biệt là cúm...

Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu kiểm tra trang thiết bị y tế dùng cho công tác điều trị bệnh cúm. Ảnh: C.K

Các chủng vi-rút cúm gia cầm độc lực cao đang lưu hành ở một số quốc gia trong khu vực hiện nay và cũng ở cả nước ta chủ yếu là cúm A/H5N1, H1N1, H7N9, H10N8, H5N6. Các chủng vi-rút cúm này đều có thể xâm nhập, lây nhiễm trên các đàn gia cầm ở nước ta và từ đó lây lan gây bệnh cho người. Nước ta có nhiều đàn thủy cầm được nuôi thả đồng, sống chung môi trường với chim hoang (véc-tơ lây nhiễm vi-rút cúm) và lại sống gần gũi với con người làm tăng nguy cơ nhiễm vi-rút cúm từ chim hoang sang gia cầm và người dân, nguy cơ cao mầm bệnh phát tán, đặc biệt trong dịp tết và sau tết là thời điểm gia tăng buôn bán, tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ gia cầm.

Để chủ động phòng chống dịch cúm và các dịch bệnh mùa đông - xuân nói chung, Sở Y tế công bố quyết định kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị trong ngành để chuẩn bị đối phó với dịch bệnh, đặc biệt là có sự phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT để theo dõi tình hình dịch bệnh và sự lưu hành của chủng vi-rút cúm A/H5N1, H1N1, H7N9, H10N8, H5N6 trên các đàn gia cầm, thủy cầm; đồng thời hướng dẫn giám sát và phòng chống cúm.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ động tuyên truyền cho người dân về kiến thức, kỹ năng phòng chống cúm để người dân không chủ quan nhưng cũng không hoang mang; tiếp tục kiện toàn mạng lưới giám sát dịch bệnh; bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng giám sát phòng chống dịch cho cán bộ y tế; tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, nhất là ở những nơi tập trung đông dân cư, chợ, trường học, khu dân cư, địa bàn khó khăn về điều kiện vệ sinh...; đồng thời đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong thanh kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các thực phẩm có nguồn gốc từ gia cầm.

Ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT kiểm soát tốt dịch bệnh trên gia cầm, sản phẩm gia cầm. Đối với người dân, cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh trong chăn nuôi, buôn bán, giết mổ, chế biến gia cầm và các sản phẩm gia cầm; thực hiện ăn chín uống chín, sử dụng khẩu trang, găng tay khi tiếp xúc với gia cầm và các sản phẩm gia cầm; không ăn tiết canh; không sử dụng thịt, sản phẩm gia cầm bệnh, chết, không rõ nguồn gốc... Nếu người sử dụng thịt gà, vịt, động vật chưa được nấu chín kỹ vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh trong trường hợp gà, vịt, động vật mắc bệnh, đặc biệt là ăn tiết canh rất nguy hiểm.

BS. PHƯỚC NHƯỜNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.