Y tế - Sức khỏe

Hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết năm 2019

Thứ Hai, 10/06/2019 | 15:18

Tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN lần thứ 10 được tổ chức tại Singapore vào tháng 7/2010, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức ASEAN và đại biểu 10 nước thành viên ASEAN đã thông qua Quyết định thống nhất chọn ngày 15/6 hàng năm là “Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết”.

Cộng tác viên y tế phát tờ rơi và hướng dẫn người dân cách diệt muỗi, phòng bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: C.K

Hoạt động này nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành và toàn thể cộng đồng… trong việc phòng ngừa và đẩy lùi dịch bệnh sốt xuất huyết; cũng như kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước ASEAN cùng chung tay phòng chống sốt xuất huyết, cùng học tập, chia sẻ kinh nghiệm nhằm hướng tới một cộng đồng ASEAN không có sốt xuất huyết.

Hưởng ứng sự kiện này, tỉnh Bạc Liêu chọn TX. Giá Rai tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng và diễu hành hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết” năm 2019 vào ngày 15/6 tới.

Bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi-rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh có tên khoa học là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là do Aedes aegypti. Muỗi vằn có màu đen, thân và chân có những đốm trắng, khi đậu chích người thân muỗi song song ngang với da người. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Loại muỗi vằn thường ở các góc tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như: bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây, mảnh sành, chai lọ, lốp xe, vỏ dừa, lon sữa… đọng nước mưa.

Triệu chứng nhận biết bệnh sốt xuất huyết

- Bệnh biểu hiện: Sốt cao, lên đến 40,5oC; nhức đầu; đau phía sau mắt; đau khớp và cơ; buồn nôn và ói mửa; phát ban xuất huyết. Các ban sốt xuất huyết có thể xuất hiện trên cơ thể 3 - 4 ngày sau khi bắt đầu sốt và sau đó thuyên giảm sau 1 - 2 ngày; có thể bị nổi ban lại một lần nữa vào ngày sau đó. Xuất huyết dưới da hoặc ở các cơ quan nội tạng trong cơ thể, lộ trên mặt da những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm rải rác ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn. Phân biệt với vết muỗi cắn bằng cách căng da chung quanh chấm đỏ, nếu nốt đỏ vẫn còn là do xuất huyết, ngược lại nếu biến mất thì đó là vết muỗi cắn.

- Chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng.

- Ói hoặc đi cầu ra máu (nước ói màu nâu, phân lợn cợn như bã cà phê hoặc đỏ tươi).

- Đau bụng.

- Sốc là dấu hiệu nặng, thường xuất hiện từ ngày thứ 3 - 5 của bệnh.

- Dấu hiệu sốc gồm: mệt, li bì hoặc vật vã; chân tay lạnh; tiểu ít; có thể kèm theo ói hoặc đi cầu ra máu.

Khi bị sốt cần nghĩ đến bệnh sốt xuất huyết và đến cơ sở y tế khám kịp thời

Người mắc bệnh sốt xuất huyết thường có biểu hiện sốt cao đột ngột, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt. Người bệnh đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể có nổi mẩn đỏ, phát ban… Do đó, khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

Bệnh sốt xuất huyết ngày thứ 2 trở đi hoặc bệnh trở nặng có thể xuất hiện một hoặc nhiều dấu hiệu chấm xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn/ói ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng). Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp), nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm vì chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng ngừa

Bệnh sốt xuất huyết nguy hiểm ở chỗ bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh. Hơn nữa, bệnh thường gây ra dịch lớn với nhiều người mắc cùng lúc làm cho công tác điều trị hết sức khó khăn, có thể gây tử vong, nhất là với trẻ em, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội.

Mặt khác, bệnh sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra với 4 týp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 týp gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng týp, cho nên người ta có thể mắc bệnh sốt xuất huyết lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những týp vi-rút khác nhau và ở những thời điểm khác nhau, lần sau mắc bệnh có nguy cơ nặng hơn lần trước.

Bác sĩ Phước Nhường

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.