Y tế - Sức khỏe

Chủ động phòng ngừa dịch bệnh trong mùa đông - xuân

Thứ Hai, 28/01/2019 | 16:16

Mùa đông - xuân, khí hậu thay đổi nhanh và chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm cao, thời tiết lạnh, độ ẩm cao… là điều kiện thuận lợi cho các loại vi-rút, vi khuẩn, nấm mốc gây bệnh phát triển, dễ gây thành dịch như: Nhiễm vi-rút đường hô hấp cấp (cúm đại dịch và cúm mùa), rubella, sởi, thủy đậu, quai bị, nhiễm khuẩn não mô cầu, sốt xuất huyết, bệnh do vi-rút Zika, sốt rét, tiêu chảy do nhiễm trùng đường ruột, tiêu chảy do vi-rút Rota, bệnh tay chân miệng và các bệnh về mắt…

Khám bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi tại Trạm Y tế xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu). Ảnh minh họa: C.K

Sự biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường cũng như vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm làm cho dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới có nguy cơ gia tăng và diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Trong năm qua, tại Bạc Liêu, nhờ ngành Y tế quản lý và kiểm soát tốt, một số bệnh dịch như cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, thủy đậu, quai bị… được khống chế, số ca mắc giảm và không có ca tử vong. Nhìn chung, ngành Y tế đã chủ động, tích cực phòng chống có hiệu quả, tăng cường công tác tuyên truyền, vệ sinh phòng dịch. Tuy nhiên, vẫn còn một số mặt chưa đáp ứng so với yêu cầu, chưa phát huy hết hiệu quả các biện pháp phòng dịch cơ bản (vệ sinh cá nhân, rửa tay, đeo khẩu trang, vệ sinh môi trường, ý thức người dân về việc thực hiện các biện pháp đã được tuyên truyền…); công tác nâng cao nhận thức phòng bệnh trong nhân dân được cung cấp qua các buổi truyền thông, tuyên truyền đầy đủ, nhưng để chuyển biến nhận thức thành hành vi có lợi cho sức khỏe thì phải cần một quá trình lâu dài, kiên trì.
Trước mắt, để phòng ngừa dịch bệnh, người dân cần thực hiện thường xuyên và liên tục các biện pháp sau:
1. Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh: Ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm hoặc sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu…
2. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như: cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế đến những chỗ đông người.
3. Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: Tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm/sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm; lựa chọn thực phẩm vệ sinh, an toàn và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
4. Tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc-xin phòng ngừa).
5. Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, tạo môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ; không để ruồi nhặng, muỗi có điều kiện sinh sôi, trú ẩn và phát triển.
6. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với nước sạch hoặc xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
7. Khi có các dấu hiệu nghi mắc bệnh (sốt, mệt, ho, tiêu chảy…), phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
BS. PHƯỚC NHƯỜNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.