Y tế - Sức khỏe

Chủ động phòng ngừa dịch bệnh khi thời tiết giao mùa

Thứ Hai, 11/12/2017 | 15:29

Thời tiết giao mùa là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, nấm mốc… phát triển gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Đối tượng dễ mắc bệnh nhất là người già và trẻ em, do sức khỏe và đề kháng yếu hoặc không thích nghi kịp. Đây cũng là thời điểm dễ bùng phát bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và các bệnh về đường hô hấp… Vì vậy, mọi người cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh cho bản thân và gia đình.

Khám và điều trị bệnh tay chân miệng cho trẻ. Ảnh: A. Lộc

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thời gian gần đây đã ghi nhận khá nhiều ca mắc bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng (nhiều nhất là huyện Phước Long), không có trường hợp tử vong. Mặc dù tình hình bệnh tay chân miệng có xu hướng giảm nhưng vẫn còn diễn biến khó lường.

Đang chăm sóc cháu mắc bệnh tay chân miệng tại khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Lợi, bà Thạch Thị Hai (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) không khỏi xót xa khi nhìn các mụn nước đỏ nổi chi chít trên tay chân cháu mình. Bà Hai chia sẻ: “Khi đi học về cháu than mệt. Thấy cháu có biểu hiện sốt, gia đình liền chở đến cơ sở y tế, bác sĩ chẩn đoán cháu mắc bệnh tay chân miệng. Chỉ qua một đêm mà mụn nước đã nổi dày”.

Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Tuấn Anh, Phó trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), bệnh tay chân miệng thường gặp nhất ở trẻ nhỏ và rất dễ lây nếu vệ sinh không đảm bảo. Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh như: sốt, biếng ăn, đau họng và mệt mỏi. Một hoặc hai ngày sau khi bắt đầu sốt, những vết lở loét có thể xuất hiện trong miệng. Những vết đốm đỏ mọng nước bắt đầu nổi dạng ban trên da ở tay và chân, có thể cả trên đầu gối, khuỷu tay và mông của bé. Các nốt ban này có thể có mủ nhưng thường không gây ngứa. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể nặng gây biến chứng nguy hiểm như: viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp… dẫn đến tử vong. Vì vậy, khi phát hiện trẻ có những triệu chứng trên, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị sớm. Bác sĩ Tuấn Anh khuyến cáo, khi thấy những nốt ban trên người của bé, không nên bôi hay thoa bất kỳ loại thuốc gì, mà chỉ cần vệ sinh, tắm rửa cho trẻ bình thường. Với những nốt loét trong miệng khiến trẻ đau thì có thể dùng vài loại thuốc để rơ miệng, nhưng nghiêm cấm sử dụng các biện pháp dân gian, thuốc nam… để điều trị, vì sẽ rất dễ gây nhiễm trùng dẫn đến nguy cơ tử vong cao.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong thời điểm giao mùa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các Trung tâm y tế huyện, Trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện các biện pháp chuyên môn, kỹ thuật phòng chống dịch; phối hợp với cơ quan hữu quan tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh… Tại các trường học, việc phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết cho học sinh cần được triển khai thường xuyên bằng việc chủ động vệ sinh trường lớp, bố trí xà phòng, nước sạch và phương tiện rửa tay cho học sinh; tuyên truyền cho các em hiểu và thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe của bản thân. Đối với trẻ nhiễm bệnh, cần tiến hành cách ly và điều trị kịp thời, vệ sinh môi trường, vệ sinh lớp học để khống chế, ngăn ngừa dịch bệnh một cách hiệu quả nhất.

HUỲNH  HIẾU 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.