Y tế - Sức khỏe

Bạn biết gì về Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS

Thứ Sáu, 30/11/2018 | 16:13

Với chủ đề “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90 - 90 - 90 vào năm 2020!” (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút kiểm soát được số lượng vi-rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác), tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2018 (từ ngày 10/11 - 10/12) và hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS (1/12) kêu gọi mỗi cán bộ lãnh đạo, mỗi người dân cần phải có hành động mạnh mẽ hơn trong việc phòng chống căn bệnh này, để đạt được mục tiêu 90 - 90 - 90.

Ngày Thế giới phòng chống bệnh AIDS (World AIDS Day) là ngày lễ quốc tế được cử hành vào ngày 1/12 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức về nạn dịch AIDS do việc lây nhiễm HIV và để tưởng nhớ các nạn nhân đã chết vì HIV/AIDS.
“Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS” đầu tiên đã diễn ra vào ngày 1/12/1988. Tuy nhiên, đến năm 1996, chương trình chung của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (Joint United Nations Programme on HIV/AIDS - UNAIDS) mới bắt đầu hoạt động. Thay vì tập trung vào một ngày duy nhất, chương trình chung của Liên Hiệp Quốc về HIV/AID đã lập ra “Chiến dịch thế giới phòng chống AIDS” vào năm 1997 để tập trung vào thông tin, phòng chống và giáo dục về HIV/AIDS quanh năm.
Từ khi bắt đầu cho tới năm 2004, chương trình chung của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS, cơ quan dẫn đầu chiến dịch Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS, đã lựa chọn các chủ đề hàng năm có tham khảo ý kiến các tổ chức y tế toàn cầu khác.
Tính đến năm 2008, chủ đề Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS mỗi năm đều do Ban Chỉ đạo toàn cầu của Chiến dịch thế giới phòng chống bệnh AIDS lựa chọn sau khi tham khảo ý kiến rộng rãi với những người, tổ chức và cơ quan chính phủ tham gia trong công tác phòng chống và điều trị HIV/AIDS.
Với hình tượng dải băng đỏ, có thể là buộc ở cổ tay hoặc được để ở những nơi trang trọng, chính là biểu tượng toàn cầu cho tình đoàn kết với những người nhiễm HIV.
Thực tế cho thấy, các bệnh xã hội nói chung và HIV/AIDS nói riêng đã trở thành một trong các dịch bệnh phá hoại lớn nhất trong lịch sử. Cho đến nay chúng ta vẫn đang tập trung nghiên cứu nhằm tìm ra loại vắc-xin, thuốc đặc hiệu để tiêu diệt vi-rút HIV.
Mặc dù gần đây, việc điều trị và phòng chống HIV đã được cải thiện ở nhiều vùng trên thế giới, nhưng tỷ lệ người mắc và số lượng người chết vì AIDS vẫn là rất lớn. Vì vậy, biết cách tự phòng cho mình và cho cộng đồng cũng như tuyên truyền cho mọi người cùng hiểu biết được coi như là một vắc-xin để phòng ngừa HIV/AIDS hiện nay.
Khánh Châu

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.