Xuân Mậu Tuất 2018

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu: Hướng đến xây dựng thương hiệu tôm Việt

Thứ Ba, 06/02/2018 | 09:16

Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trên thế giới về sản xuất tôm và dẫn đầu thế giới về sản xuất tôm sú. Tôm cũng là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong nhóm hàng thủy sản của Việt Nam. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ chấp nhận cho Bạc Liêu xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm (KNNƯDCNCPTT) Bạc Liêu để hướng tới xây dựng thương hiệu con tôm Bạc Liêu nói riêng và thương hiệu tôm Việt Nam nói chung.

Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung tham quan mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH Long Mạnh (huyện Hòa Bình).

Công ty Việt Úc - Bạc Liêu thu hoạch tôm nuôi siêu thâm canh trong nhà kín.

Thành lập khu nông nghiệp công nghệ cao

Bạc Liêu có diện tích nuôi trồng thủy sản chiếm gần 50% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Sản lượng tôm hàng năm khoảng 110.000 tấn, đứng nhất nhì cả nước. Giá trị mang lại của con tôm gần 11.500 tỷ đồng. Bạc Liêu lại có nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao hàng đầu quốc gia và trong khu vực Đông Nam Á. Đơn cử là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín của Tập đoàn Việt - Úc; mô hình áp dụng công nghệ Biofloc vào nuôi tôm siêu thâm canh 2 giai đoạn của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Trúc Anh; các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của các công ty khác… Bạc Liêu cũng là một trong những trung tâm sản xuất tôm giống của ĐBSCL và cả nước với sản lượng 25 tỷ con giống/năm, chiếm 50% vùng ĐBSCL và 19,23% của cả nước…

Hiện nay, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng KNNƯDCNCPTT Bạc Liêu (tại xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu) với tổng diện tích 418,91ha. KNNƯDCNCPTT Bạc Liêu là khu tập trung thực hiện các hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào ngành tôm; gia hóa tôm bố mẹ, sản xuất giống; nghiên cứu quy trình nuôi; nghiên cứu chế biến thức ăn, các ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất chế phẩm sinh học, bảo quản chế biến; đào tạo, tiếp nhận, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ ngành tôm của tỉnh, vùng bán đảo Cà Mau, ĐBSCL và cả nước. Đồng thời có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, thử nghiệm, trình diễn mô hình sản xuất tôm ứng dụng công nghệ cao, phục vụ phát triển ngành công nghiệp tôm cho tỉnh, vùng bán đảo Cà Mau, ĐBSCL và cả nước; liên kết các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trong ngành tôm.

Các chuyên gia Úc kiểm tra quy trình xử lý nước của Công ty Việt Úc - Bạc Liêu để tiến đến xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, xuất khẩu tôm nguyên con sang Úc.

Lãnh đạo tỉnh đã kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào KNNƯDCNCPTT Bạc Liêu. Hiện nay, nhiều công ty, doanh nghiệp xin đầu tư vào KNNƯDCNCPTT Bạc Liêu để trình diễn những mô hình nuôi tôm ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất tôm, và Tập đoàn Việt - Úc là một trong những doanh nghiệp đăng ký đầu tiên. Hiện nay, doanh nghiệp này đang xây dựng mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín gồm 16 trại, mỗi trại (1ha) gồm 14 ao nuôi tôm.

Xây dựng thương hiệu tôm Việt

Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trên thế giới về sản xuất tôm và dẫn đầu thế giới về sản xuất tôm sú. Tôm cũng là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong nhóm hàng thủy sản của Việt Nam. Có thời điểm xuất khẩu tôm đạt rất cao trong kim ngạch xuất khẩu. Theo ông Đào Đức Huấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn thuộc Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn - Bộ NN&PTNT: “Thương hiệu không chỉ đơn giản là nhiều người biết, mà đó là khả năng nhận diện, uy tín, niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm. Đó còn là khả năng tiếp cận và độ tin cậy về nguồn gốc, chất lượng đối với sản phẩm trên thị trường”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT - Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Nước ta có lợi thế đặc biệt về con tôm, vì thế cần xây dựng để con tôm Việt Nam trở thành một thương hiệu sản phẩm quốc gia. Cần đưa tôm thành mặt hàng chiến lược quốc gia để có chính sách tạo động lực nhằm phát triển thương hiệu tôm Việt Nam lớn mạnh trên thị trường thế giới”.

Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Trúc Anh kiểm tra tôm nuôi theo mô hình siêu thâm canh 2 giai đoạn. Ảnh: M. Đạt

Muốn xây dựng hình ảnh tôm Việt Nam, cần bắt đầu từ việc tăng cường kiểm soát chất lượng giống tại các vùng sản xuất con giống tập trung, đáp ứng nhu cầu con giống chất lượng cao phục vụ sản xuất. Đồng thời kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản, kiểm soát tốt việc sử dụng thuốc kháng sinh trong nuôi tôm để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và thông tin rộng rãi để người nuôi được biết. Bên cạnh đó, nâng cao giá trị của sản phẩm thông qua việc kiểm soát về chất lượng, quy trình sản xuất, chứng nhận chất lượng để đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính. Ngoài ra, cần phát triển các sản phẩm tôm an toàn, sinh thái nhằm nâng cao giá bán sản phẩm; mở rộng các sản phẩm chế biến sâu để gia tăng giá trị của sản phẩm…

Với khẩu hiệu “Nâng tầm tôm Việt”, những năm qua Tập đoàn sản xuất tôm hàng đầu Việt - Úc đã đầu tư bài bản vào sản xuất giống cũng như tôm thương phẩm theo mô hình thâm canh, năng suất và hiệu quả cao. Để con tôm Việt Nam phát triển và có thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường thế giới, các địa phương, doanh nghiệp sản xuất tôm cần chung tay, duy trì chiến lược cạnh tranh, duy trì con tôm thương mại tốt như hiện nay để ổn định cơ cấu thị phần… Qua đó giúp con tôm thành mặt hàng chiến lược quốc gia, phát triển thương hiệu tôm Việt Nam lớn mạnh trên thị trường thế giới.

Minh Đạt

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.