Xuân Kỷ Hợi 2019

Cải lương trên "Đất cải lương"

Thứ Ba, 29/01/2019 | 11:01

Nhiều người cho rằng: “Đến Bạc Liêu mà không được nghe đờn ca tài tử, vọng cổ hay cải lương thì xem như… chưa đến”. Đúng vậy, cái thú vị nhất đối với du khách là được thả hồn theo tiếng đờn, lời ca ngay trên chính vùng đất được mệnh danh là “đất cải lương”, một trong những “chiếc nôi” quan trọng của đờn ca tài tử. Chính vì vậy mà những người nặng nợ với cải lương đã thiết kế một chương trình chỉn chu để phục vụ giới mộ điệu gần xa.

Một cảnh trong vở cải lương "Hội nghị Diên Hồng" của Đoàn cải lương Cao Văn Lầu. Ảnh: P.T.C

Từ nhà ra rạp

Ở thời đại 4.0, chỉ cần cầm điện thoại thông minh, hay vài thao tác bấm remote điều khiển tivi là muốn xem gì cũng có, cải lương không ngoại lệ. Vậy làm sao để rạp hát thu hút khán giả? Làm sao để người xứ xa đến Bạc Liêu có thể được thưởng thức cải lương “diễn sống” trên sân khấu? Và hiện tại, Nhà hát Cao Văn Lầu đã giải quyết được vấn đề này.

Đạo diễn Ngô Quốc Khánh, Phó Giám đốc Nhà hát Cao Văn Lầu, cho biết: “Không gian của nhà hát là nơi biểu diễn nghệ thuật cải lương lý tưởng với âm thanh, ánh sáng hiện đại, chỗ ngồi sang trọng, lịch sự. Đây là công trình được xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam, với thiết kế 3 chiếc nón lá độc đáo, độc nhất vô nhị. Cho nên, để xứng tầm với một kiến trúc đẹp, một không gian lý tưởng, thì những chương trình nghệ thuật biểu diễn phải xứng tầm. Trước sứ mệnh vực dậy sự sống còn của cải lương, chúng tôi phải đầu tư nghiêm túc các chương trình biểu diễn, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của khán giả hiện nay. Khán giả bước chân vào nhà hát thì sẽ ngồi xem đến tiết mục cuối cùng, và tập thể nhà hát quyết tâm làm cho bằng được điều này!”.

Quyết tâm ấy chính là vào tối thứ Bảy hàng tuần, nhà hát luôn sáng đèn với 2 chương trình nghệ thuật được luân phiên biểu diễn: “Bạc Liêu ngày ấy” và “Hào khí non sông”. Khách du lịch và người dân đến xem ngày càng đông khi chất lượng chương trình đã được khẳng định. “Tôi thích đến rạp xem trực tiếp diễn viên, nghệ sĩ diễn cải lương, vì như vậy mới cảm nhận hết thần thái, cách diễn xuất của họ, mới cảm nhận trọn vẹn cái hay của vở diễn”, anh Trần Văn Dương (phường 7, TP. Bạc Liêu) bộc bạch.

“Khi cải lương phát triển ổn định, góp phần vào việc phát triển du lịch của tỉnh nhà thì tôi tin trong vòng từ 3 - 5 năm nữa, diễn viên, nghệ sĩ của nhà hát sẽ sống được bằng nghề”, lãnh đạo nhà hát lạc quan chia sẻ.

Nhà hát Cao Văn Lầu "sáng đèn" phục vụ khán giả vào tối thứ Bảy hàng tuần. Ảnh: N.V

Ngân mãi tiếng ca

Phạm Anh Chàng là một trong những gương mặt trẻ sáng giá của nhà hát. 12 năm trui rèn với tất cả nhiệt huyết và sức trẻ hiện có, Anh Chàng đang nhận được nhiều vai diễn quan trọng tại nhà hát và làm dày thêm bộ sưu tập giải thưởng cá nhân của mình. Tháng 10/2018, Anh Chàng đoạt huy chương Vàng trong liên hoan Cải lương toàn quốc được tổ chức tại tỉnh Long An. Sự phấn đấu của những cá nhân như Anh Chàng chính là đang giúp cải lương trên “đất cải lương” thêm vang danh. Sau lớp nghệ sĩ thành danh trụ được trong lòng khán giả như: Ngọc Đợi, Mỹ Hạnh, Giang Tuấn, thế hệ diễn viên trẻ sau này cũng dần khẳng định tài năng như: Anh Chàng, Diễm My, Vĩnh Sơn, Hồng Nhiên, Hoàng Dững…

“Trong giai đoạn cải lương bắt đầu có dấu hiệu tuột dốc, thì Bạc Liêu phải chung tay góp phần vực dậy, làm cho cải lương trở lại thời kỳ hoàng kim như trước đây. Đó là mong muốn của cá nhân tôi khi nhìn về sự phát triển của cải lương Bạc Liêu. Bạc Liêu có một thế mạnh là lực lượng trẻ rất nhiều”, người thầy trong âm nhạc dân tộc - tiến sĩ Mai Mỹ Duyên bày tỏ niềm vui khi được “mục sở thị” diễn xuất, giọng ca của các diễn viên, nghệ sĩ của nhà hát. Còn nhà nghiên cứu về âm nhạc dân tộc - thạc sĩ Huỳnh Khải thì cho rằng: “Bạc Liêu đã đưa hồn của âm nhạc, hồn của lời ca mới vào đời sống thực tế. Tức là đưa giá trị của cải lương vào cuộc sống, để công chúng đồng hành với nghệ sĩ cùng nhau gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Thời gian qua, Bạc Liêu đã làm rất tốt công tác bảo tồn thông qua nhiều hoạt động gắn liền với đời sống thực tiễn: từ chuyện dạy thế hệ trẻ (học sinh, sinh viên) ca tài tử, mở các cuộc thi sáng tác lời mới bản vọng cổ, cho đến trau dồi nâng cao tay nghề, diễn xuất cho đội ngũ diễn viên…”.

Rồi đây lời ca, tiếng đờn sẽ còn ngân mãi, vang xa như một thời từng vang xa. Đó chính là sứ mệnh mà thế hệ trẻ của Nhà hát Cao Văn Lầu đang quyết tâm làm cho bằng được ngay trên “đất cải lương” hữu tình này!

Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Đợi. Ảnh: P.T.C

 Ngọc Trân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.