Xuân Canh Tý 2020

Xứ nhiều... chuyện

Thứ Ba, 21/01/2020 | 11:34

Bạc Liêu là xứ… “nhiều chuyện”. Không phải là những chuyện linh tinh, tầm phào hay vô bổ hiểu theo nghĩa thông thường nơi cửa miệng. Đó là những câu chuyện đáng để nghe, để nghiền ngẫm, để rồi phải xách ba lô lên đi và khám phá…

Người Sài Gòn hay người miền Đông Nam bộ giờ đi về các tỉnh miền Tây nói chung và Bạc Liêu nói riêng đã bớt thấy ngại vì đường xa không còn trắc trở bởi đò ngang sông nước như nhiều năm về trước.  Bạc Liêu, “thiên thời, địa lợi” vốn có phần thiệt thòi hơn những nơi khác do nằm gần tận miền cực Nam Tổ quốc, nhưng giờ cũng đã hòa chung nhịp hân hoan với cả vùng, mở rộng cánh cửa du lịch chào đón khách phương xa từ khắp mọi chốn.

Điểm du lịch nhà Công tử Bạc Liêu. Ảnh: H.T

 Tôi không nhớ mình đã có bao nhiêu lần theo các chuyến xe đò tuyến TP. Hồ Chí Minh - miền Tây để đi về Cà Mau và Bạc Liêu, kể từ thời còn là tỉnh Minh Hải. Các chuyến đi ấy chẳng thể gọi là nhiều và không bao giờ là đủ để thật sự khám phá hết những gì đã được nghe, được đọc. Tôi biết chơi đàn ghi-ta và rất thích những giai điệu cùng ca từ vô cùng đẹp về mùa thu trong ca khúc “Thu, hát cho người” của Vũ Đức Sao Biển. Tôi nhắc đến Vũ Đức Sao Biển bởi lẽ ông là một người nặng nghĩa tình với Bạc Liêu do đã có một phần cuộc đời làm nghề giáo, gắn bó với đất và người nơi ấy. Một thế kỷ qua, nhiều thế hệ người dân Nam bộ đã thuộc nằm lòng những bài bản vọng cổ được phát triển từ giai điệu bản “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Nhưng đâu chỉ là câu vọng cổ không thôi, “Dạ cổ hoài lang” còn được phục hiện theo kỹ thuật thanh nhạc Tây phương để trình diễn như một tác phẩm tân nhạc trên sân khấu hiện đại. Chính nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển là tác giả của công trình phục hiện ấy, dù ông khiêm tốn nhận mình chỉ là người ký âm lại. Tình cảm của người nhạc sĩ tài hoa ấy dành cho Bạc Liêu không chỉ có thế. Ngoài thành công trong phục hiện “Dạ cổ hoài lang” như một ca khúc tân nhạc, ông còn kết hợp tài tình những nét tinh tế của âm nhạc phương Nam với giai điệu cổ rất có hồn kia để cho ra đời một loạt ca khúc về các vùng quê Bạc Liêu: “Trở lại Bạc Liêu”, “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang”… Những giai điệu cổ nhạc ân tình, lãng mạn hình thành từ chuyện tình trắc trở nhưng có hậu của bác Sáu Lầu từ 100 năm trước vẫn còn khơi gợi lên nhiều cảm xúc lắm, không chỉ với riêng những người làm nghệ thuật như Vũ Đức Sao Biển mà với cả người nghe bình dân như tôi.

Chùa Xiêm Cán (xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu). Ảnh: P.T.C

Năm 2008, đại gia vùng núi Đoàn Nguyên Đức của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai mua máy bay riêng phục vụ cho công việc của mình. Báo chí đưa tin, nhiều người trầm trồ cho rằng ông là doanh nhân Việt đầu tiên dám sắm cho mình phương tiện di chuyển hạng sang. Thế nhưng, mấy ai biết trước đó cả một thế kỷ, xứ Bạc Liêu đã từng có “cậu Ba”, con trai của ông Hội đồng Trạch, một địa chủ giàu nứt đố đổ vách đã bỏ ra cả 100kg vàng mua một chú “chim sắt” để đi thăm ruộng và ngao du đó đây. Hình ảnh gã trai nhà giàu, thích chơi ngông với biệt danh lừng lẫy “Công tử Bạc Liêu” bên cạnh chiếc máy bay đã xuất hiện trang trọng trên trang nhất các tờ báo tiếng Pháp của xứ Nam kỳ thời đó. Những giai thoại về chàng Công tử nổi tiếng ăn chơi kia là một đặc sản văn hóa mang thương hiệu độc quyền của riêng Bạc Liêu. Cái danh “Công tử Bạc Liêu”, dù không phải là một huyền thoại của lịch sử nhưng những câu chuyện có thật và cả huyền thoại xung quanh cái tên ấy cũng như toàn bộ di vật vốn từng gắn bó với cuộc sống hào hoa một thời của “cậu Ba” Trần Trinh Huy cũng tạo ra được sức hấp dẫn để kéo khách du lịch về với Bạc Liêu.

Chuyện về Bạc Liêu còn nhiều lắm, với riêng tôi, vẫn thích nghe mà không thấy chán. Những câu chuyện luôn tạo ra niềm hứng thú để lâu lâu tôi lại rủ rê bạn bè khoác ba lô lên trở về thăm lại xứ ấy. Trở lại để thêm một lần được nghe điệu xàng xê ngọt ngào của câu vọng cổ quen thuộc. Đi ngang qua cổng nhà Công tử Bạc Liêu, tranh thủ ghé lại chụp cho bạn tấm ảnh làm kỷ niệm. Rồi xuôi về phía con đường biển thăm ngôi chùa cổ Xiêm Cán, tiện đường tấp vào nghỉ mát trong khu vườn nhãn thưởng thức món bánh xèo dân dã, thơm lừng trước khi lang thang trên cánh đồng điện gió ngắm hoàng hôn buông xuống...

Bạc Liêu là thế, luôn mang nặng tình đất, tình người nên dễ quyến rũ và níu chân người quay lại…

Hà Đức Trí

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.