Xuân Canh Tý 2020

Khi công nghệ 4.0 truyền cảm hứng cho giáo dục

Thứ Ba, 21/01/2020 | 15:06

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là xu hướng không thể đứng ngoài của ngành Giáo dục trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc ứng dụng công nghệ số sẽ tạo nên sự đột phá không ngờ về chất lượng, góp phần truyền cảm hứng để sự nghiệp giáo dục thăng hoa lên một tầm cao mới…

Học sinh Bạc Liêu tham gia cuộc thi trực tuyến “Tự hào Việt Nam”.

Bắt nhịp công nghệ hóa

Là một trong những đơn vị đi đầu trong việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, dạy và học, đến nay ngành Giáo dục TX. Giá Rai có 13/13 trường tham gia “Trường học kết nối” với gần 7.600 giáo viên, học sinh đăng ký và sử dụng tài khoản. Cùng với việc triển khai đồng bộ các phần mềm quản lý trong các cơ sở giáo dục, kết nối liên thông dữ liệu với phần mềm cơ sở dữ liệu ngành, Phòng Giáo dục TX. Giá Rai còn khuyến khích các trường tăng cường sử dụng hồ sơ điện tử (sổ điểm, học bạ, sổ liên lạc). Từ kênh thông tin này, chỉ với chiếc điện thoại thông minh, phụ huynh sẽ dễ dàng nắm được thời gian biểu học tập, học lực của con em, từ đó tạo nên sự gắn kết giữa gia đình - nhà trường trong việc giáo dục toàn diện.

Trực tiếp tham dự tiết dạy môn Lịch sử của cô Lê Thị Giàu (giáo viên Trường THPT Gành Hào, huyện Đông Hải) bằng giáo án điện tử, chúng tôi thật sự ấn tượng. Nhằm giúp học sinh hứng thú với tiết học, hiểu bài nhanh hơn, cô Giàu kết hợp cả hai phương pháp: truyền thống với bảng đen phấn trắng và trình chiếu trên tivi màn hình led treo tường. Cô Giàu chia sẻ: “Trong quá trình dạy học, tôi luôn chủ động ứng dụng CNTT thông qua việc sử dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học. Với một môn học thiên về các số liệu, dữ kiện dày đặc như lịch sử, việc ứng dụng CNTT sẽ giúp học sinh dễ dàng tiếp thu, ghi nhớ và hứng thú hơn so với phương pháp đọc và chép truyền thống”.

Sinh viên Trường cao đẳng Y tế Bạc Liêu tập thiết kế phần mềm tiện ích phục vụ học tập.

Hiện nay, các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh cũng đang áp dụng nhiều phần mềm tiện ích để thiết kế đề thi, chấm thi trắc nghiệm, quản lý học sinh - sinh viên, công bố điểm thi, hoặc hỗ trợ giao dịch, tra cứu thông tin của trường đến người dùng, qua đó góp phần hoàn thiện hệ thống quản lý đào tạo bằng công nghệ điện tử, quảng bá hình ảnh, thương hiệu của đơn vị ra bên ngoài.

Tiết dạy và học môn Vật lý có sự hỗ trợ của giáo án điện tử của cô và trò Trường THPT Chuyên Bạc Liêu. Ảnh: Đ.K.C

Khơi nguồn sáng tạo

Từ những ý tưởng đầy táo bạo, nhiều thế hệ học trò của Trường THCS Nguyễn Du (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân) với sự hỗ trợ của thầy Phan Khánh Duy đã sáng tạo nên những phần mềm tiện ích phục vụ học tập. Trong đó, phải kể đến phần mềm học tập môn Lịch sử 6 với tên gọi “Cội nguồn Việt” phiên bản 1 và 2 của đồng tác giả Trần Thị Ngọc Lan và Trần Phước Đại. Với giao diện được thiết kế đa dạng, phong phú, thuận tiện cho người sử dụng thông qua các câu hỏi lý thú với từng mức độ khó, dễ khác nhau được đặt ra, phần mềm này sẽ giúp học sinh tìm hiểu những kiến thức về lịch sử dân tộc thông qua hình thức học mà chơi, chơi để học.

Cũng là học sinh Trường THCS Nguyễn Du, em Phan Như Mơ tiếp tục truyền cảm hứng cho bộ môn Hóa học 8 với phần mềm “Hóa học vui”. Khi thiết kế phần mềm này, Như Mơ mong muốn những kiến thức hóa học trong và ngoài sách vở không còn là những định nghĩa, công thức khô khan mà nó sẽ mang lại nhiều điều lý thú trong học tập và cuộc sống…

Thực tế, việc ứng dụng công nghệ số vào giảng dạy và học tập ở Bạc Liêu chỉ mới là những bước đi đầu tiên nhưng đó lại là những bước đi đầy tự tin và thể hiện sự nỗ lực hết mình của thầy, trò các trường. Chính từ sự nỗ lực đó sẽ góp phần “truyền lửa”, giúp thế hệ tương lai của quê hương tự tin tiếp cận với những kiến thức hiện đại của kỷ nguyên số, của cách mạng công nghiệp 4.0.

Thư Các

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.