Xuân Ất Mùi 2015

Những “hạt giống đỏ” của giáo dục Bạc Liêu

Thứ Ba, 10/03/2015 | 15:40

Dù hoàn cảnh và xuất thân khác nhau, nhưng họ có một điểm chung: chọn Bạc Liêu làm quê hương thứ hai để thực thi sứ mệnh thiêng liêng của những người trót nặng nợ với nghề “gieo chữ”. Họ - những “hạt giống đỏ” quý báu đã góp phần ươm mầm cho khu vườn giáo dục Bạc Liêu thắm sắc, thêm hương.

Cô Đinh Thị Lộc trong giờ dạy Toán tại lớp 5/5, Trường tiểu học Phùng Ngọc Liêm.
Người đặt “viên gạch” đầu tiên

Theo tiếng gọi thân thương của miền Nam ruột thịt, những chàng trai, cô gái Ninh Bình đã vượt qua mọi chông gai thẳng tiến vào Nam để hỗ trợ đồng bào kiến thiết, xây dựng quê hương. Hòa cùng sinh khí của lớp người hừng hực lửa cống hiến ấy, cô giáo trẻ Đinh Thị Lộc (giáo viên Trường tiểu học Phùng Ngọc Liêm, TP. Bạc Liêu) cũng bịn rịn chia tay người thân, gia đình để đến vùng đất mới. Cuộc sống của cô giáo trẻ không người thân, gia đình nơi miền đất cuối trời Nam luôn phải đối diện với biết bao khó khăn, thiếu thốn, nhưng đó chính là động lực, là sức mạnh để cô hăng say cống hiến, vì cô hiểu rằng vùng đất nghèo và học trò nơi đây cần cô biết nhường nào! Thời gian đầu, cô tham gia xóa nạn mù chữ ở huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau). Lớp học của cô giáo trẻ có đủ mọi lứa tuổi, thành phần và lúc nào tiếng cười cũng rộn rã như xua tan mọi đói nghèo, thiếu thốn.

Năm 1981, cô về nhận công tác tại Trường tiểu học Phùng Ngọc Liêm và gắn bó với nơi này đến bây giờ. Với trọng trách là người đặt những “viên gạch” đầu tiên để xây “lâu đài tri thức”, cô không chỉ là người thầy, mà còn là người mẹ, người bạn của các học trò. Gần trọn cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của quê hương thứ hai, cô đã đạt được khá nhiều thành tích và năm 2013 được xem là năm “vàng” khi có đến 39 học sinh được cô bồi dưỡng đoạt giải vòng tỉnh (trong đó có 4 giải Nhất). Song, với cô thành công lớn nhất của đời mình là góp phần đào tạo nên những thế hệ vừa hồng vừa chuyên.

Thầy Trịnh Văn Trượng, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu. Ảnh: Đ.K.C
Cái tâm của người “gieo chữ”

Cũng như cô Lộc, thầy giáo trẻ Trịnh Văn Trượng (Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu, TP. Bạc Liêu) giã từ quê hương Hà Nam để vào miền Nam hỗ trợ giáo dục phát triển. 6 năm công tác tại huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) là khoảng thời gian quý báu để thầy thấu hiểu và gắn bó với cuộc sống của vùng đất cuối trời Tổ quốc. Năm 1988, thầy Trượng về nhận công tác tại Trường THCS Phường 1 (TP. Bạc Liêu). Đến năm 1989, khi Trường THCS Trần Huỳnh thành lập, thầy về nhận công tác tại đây. Thầy được ví là “cánh chim đầu đàn”, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của trường và ngành Giáo dục Bạc Liêu nói chung. “Nhiều thế hệ học trò được chính tôi dìu dắt giờ đã thành tài, có địa vị vững chắc trong xã hội. Đó cũng là nguồn động viên, an ủi rất lớn đối với tôi trong sự nghiệp trồng người”, thầy Trượng tâm sự.

Năm 2010, thầy về làm Hiệu trưởng Trường THCS Võ Thị Sáu - lá cờ đầu khối THCS của tỉnh với biết bao trọng trách, thách thức mới. Nhưng bằng cái tâm của một nhà giáo chân chính, thầy trở thành trung tâm đoàn kết của đơn vị, cơ quan; đẩy mạnh chất lượng chuyên môn, tập trung công tác đào tạo mũi nhọn… Năm nào học sinh giỏi của trường cũng đoạt nhiều giải thưởng cao tại các kỳ thi cấp thành phố, cấp tỉnh, khu vực, quốc gia… Từng đoạt danh hiệu “Viên phấn vàng”, nhưng thầy rất khiêm tốn, không ngừng học hỏi, cập nhật phương pháp giảng dạy mới để nâng cao tay nghề, tiếp tục góp sức cho sự nghiệp “trồng người” của quê hương thứ hai.

Thầy Huỳnh Quang Lâm tham quan quần thể Mũi Kê Gà (Bình Thuận). Ảnh do nhân vật cung cấp
Phác thảo hình mẫu đức - tài

Xuất thân từ một gia đình có truyền thống dạy học ở tỉnh Trà Vinh, từ nhỏ thầy Huỳnh Quang Lâm (giáo viên Trường THPT Chuyên Bạc Liêu) đã yêu nghề “gieo chữ” và có niềm đam mê đặc biệt đối với môn Lịch sử. Quyết tâm theo đuổi ước mơ, năm 1978 thầy giáo trẻ Quang Lâm tốt nghiệp đại học Sư phạm Sử và tình nguyện về công tác tại tỉnh Minh Hải xa xôi. Dạy học tại Trường THPT Hồ Thị Kỷ đến năm 1984 thì thầy chuyển về Trường THPT Công lập Bạc Liêu. Năm 1992, thầy “đầu quân” cho Trường THPT Chuyên Bạc Liêu và cống hiến đến bây giờ. Đây cũng là môi trường mới giúp thầy có nhiều phát kiến, sáng tạo trong việc truyền đạt kiến thức cho học trò. “Dù là học sinh của ban Tự nhiên, nhưng chúng tôi lại đặc biệt đam mê môn Lịch sử thông qua những tiết dạy hấp dẫn của thầy. Bởi đó không chỉ là những tiết học thông thường, mà còn là những trải nghiệm thú vị về kỹ năng sống, những bài học giáo dục về sự thành bại, lòng vị tha, kỹ năng giao tiếp, ứng xử…”, một cựu học sinh của trường chia sẻ.

Nhắc đến thầy, học trò, đồng nghiệp lại nghĩ ngay đến một “ông giáo” đam mê du lịch. Thầy thường cùng “bạn đời” thực hiện những chuyến “phượt” dài ngày bằng xe máy mỗi khi có thời gian rảnh. Những nơi thầy dừng chân thường là di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh… Với thầy, giáo viên dạy Sử thì phải đi nhiều để mở mang đầu óc, tích lũy hiểu biết để ứng dụng trong giảng dạy. Đi để thấy lòng mình rộng mở, để thấu hiểu, cảm thông và dùng những bài học bổ ích ấy để giúp học trò phác thảo những hình mẫu đức - tài, xây dựng nên những hiền tài chuẩn mực của xã hội.

Ba gương mặt mùa xuân ấy là ba hình mẫu lý tưởng về người thầy. Dù Bạc Liêu không phải là nơi “chôn nhau cắt rốn”, nhưng chính cái tình cái nghĩa của nơi này đã khiến những “hạt giống đỏ” dồn cả tâm huyết và tuổi thanh xuân để ươm mầm tri thức, đào tạo hiền tài.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.