Xuân Ất Mùi 2015

Hướng đến tăng trưởng xanh

Thứ Ba, 10/03/2015 | 15:28

Trong quá trình phát triển, con người đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức về biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai, ô nhiễm môi trường và cạn kiệt nguồn tài nguyên. Do vậy, tăng trưởng xanh đã trở thành vấn đề sống còn của mỗi quốc gia. Với xu hướng chung của thời đại, Bạc Liêu đã và đang tích cực xây dựng nhiều mô hình tăng trưởng xanh thân thiện với môi trường, cho hiệu quả kinh tế cao và hướng đến phát triển bền vững.

Sản phẩm sạch

Một trong những mô hình sản xuất được đánh giá là điển hình, hiệu quả nhất của Bạc Liêu và khu vực ĐBSCL hiện nay là mô hình chăn nuôi của Hợp tác xã (HTX) Kinh tế xanh (ấp An Trạch Đông, xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu).

* Điện gió - nguồn năng lượng sạch gắn với du lịch sinh thái biển Bạc Liêu.

* Kho thức ăn chăn nuôi của HTX Kinh tế xanh (ấp An Trạch Đông, xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu). Ảnh: Thanh Mai

Đây là mô hình chăn nuôi được áp dụng công nghệ cao. Heo được nuôi trong nhà kính theo quy trình khép kín. Từ khâu chọn con giống, kỹ thuật, thức ăn đều được Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam quản lý một cách chặt chẽ. Vì vậy, giá heo bán ra thị trường luôn được các thương lái thu mua cao hơn từ 10 - 15% so với heo nuôi thông thường.

Ưu điểm của mô hình này chính là tận dụng nguồn phân heo và “biến” nguồn chất thải thành tiền. Đó là việc ứng dụng công nghệ HDPE với công suất 8.000m3 dịch thải và 4.000m3 trữ gas phục vụ sản xuất và sinh hoạt của trang trại. Đặc biệt, từ hầm biogas này, thông qua hệ thống máy phát điện dùng nhiên liệu biogas có tổng công suất 800kWh phục vụ nhu cầu sản xuất của HTX và cung cấp điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp cho xã viên. Theo tính toán của HTX, nguồn điện trên giúp HTX tiết kiệm chi phí khoảng 800 triệu đồng/năm.

Chưa dừng lại ở đó, phân heo và nguồn nước thải từ hầm biogas còn trở thành thức ăn khoái khẩu cho cá. Hệ thống ao nuôi rộng hơn 10.000m2 cho sản lượng hơn 50 tấn cá thương phẩm/năm.

Theo kế hoạch sản xuất năm 2015, HTX Kinh tế xanh sẽ ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất phân sạch cung ứng cho thị trường với hai sản phẩm phân phục vụ cho trồng hoa kiểng và phân bón hoa màu. Qua đó, giúp nông dân hạn chế việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất và tạo ra sản phẩm rau an toàn.

Ông Đỗ Minh Nhã, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Kinh tế xanh, cho biết: “Theo hình thức nuôi gia công dịch vụ cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, với hệ thống làm mát tự động và khử mùi, chuồng heo của HTX luôn sạch sẽ, không khí thoáng mát giúp đàn heo phát triển tốt. Mỗi năm, HTX xuất chuồng khoảng 9.000 con, lợi nhuận hơn 3 tỷ đồng. Đầu ra cho heo được công ty bao tiêu, không phải phụ thuộc thương lái”.

Mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ hiện đại tạo ra sản phẩm sạch cung ứng cho thị trường. Điều đó không chỉ giúp người chăn nuôi giảm rủi ro, giảm chi phi đầu tư, tăng lợi nhuận, mà còn góp phần bảo vệ môi trường và sử dụng có hiệu quả những phế phẩm vốn bị bỏ phí lâu nay.

Năng lượng xanh

Nếu như mô hình chăn nuôi của HTX Kinh tế xanh thu hút nhiều viện, trường và nông dân trong, ngoài tỉnh đến tham quan, học tập, thì dự án điện gió của Bạc Liêu cũng được xếp vào dự án đột phá hàng đầu của khu vực ĐBSCL và cả nước. Vì đây là dự án điện gió đầu tiên của Việt Nam được xây dựng trên thềm lục địa.

Dự án điện gió do Công ty TNHH xây dựng - thương mại - du lịch Công Lý đầu tư với tổng vốn hơn 5.217 tỷ đồng. Dự án chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 với 10 trụ tua-bin, công suất 16MW đã hoàn thành đưa vào vận hành. Giai đoạn 2 với 52 trụ tua-bin, cho công suất 83,2MW. Tổng sản lượng điện sản xuất đưa lên lưới điện quốc gia hàng năm của toàn dự án đạt khoảng 320 triệu kwh.

Ở giai đoạn 1, từ khi đưa vào vận hành và khai thác thương mại 10 tua-bin gió, các tua-bin hoạt động ổn định và hệ số công suất phát điện bình quân đạt từ 30%. Sản lượng điện của 10 tua-bin hòa vào lưới điện quốc gia đến nay gần 50 triệu kwh.

Do xây dựng trên thềm lục địa, nên công trình điện gió chịu sự tác động lớn từ tự nhiên, địa chất, thủy triều, nhất là sóng to gió lớn, gây khó khăn trong suốt quá trình thi công. Đồng thời gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận chuyển, lắp đặt thiết bị nặng hàng trăm tấn. Song, việc xây dựng và lắp đặt thành công các tua-bin gió đã phản ánh sinh động quyết tâm, tinh thần chung sức, chung lòng và mở ra nhiều cơ hội cho Bạc Liêu thực hiện giấc mơ “cánh đồng điện gió”, trở thành trung tâm điện gió của ĐBSCL và cả nước. Theo kế hoạch, dự án điện gió giai đoạn 2 sẽ hoàn thành trong năm 2015, góp phần tạo ra nguồn năng lượng xanh với 52 tua-bin gió gắn với những công trình du lịch sinh thái vươn ra biển lớn.

Với những mô hình, dự án theo hướng tăng trưởng xanh, Bạc Liêu sẽ tiếp tục phát huy và hứa hẹn nhiều đột phá mới.

Kiết Tường

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.