Xây dựng văn hóa ứng xử trong học đường: Hãy bắt đầu từ những hành động nhỏ!

Thứ Tư, 02/01/2019 | 17:10

Các chuyên gia tâm lý nhận định: Khi môi trường văn hóa, nhất là văn hóa ứng xử trong học đường bị xuống cấp thì nhà trường khó có thể thực hiện được chức năng truyền tải tri thức, cũng như các giá trị, chuẩn mực văn hóa cho học sinh. Bởi vậy, để nâng cao văn hóa ứng xử trong học đường, hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất, hình thành cách ứng xử chuẩn mực cho học sinh khi các em còn ở bậc mầm non và cần lắm sự chung tay, phối hợp từ phía cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, phụ huynh trong việc lành mạnh hóa môi trường học đường.

Cô giáo Trường mẫu giáo Sao Biển (thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) dạy trẻ cách ứng xử văn hóa với mọi người xung quanh thông qua những câu chuyện kể. Ảnh: Đ.K.C

1. Đưa con đến lớp mỗi ngày, tôi khá khó chịu trước cách hành xử của một phụ huynh. Chị thường đưa con vào lớp trong bộ đồ ngủ ngắn cũn cỡn. Dù cô giáo nở nụ cười thật tươi để đón nhưng thằng bé con chị chẳng buồn chào cô, thay vì nhiều phụ huynh sẽ nhắc nhở nếu con mình quên, thì phụ huynh này cứ im ỉm dẫn con vào khu vực để cặp, đồ dùng cá nhân. Trong khi nhiều bạn cùng lớp đã ngăn nắp để cặp vào đúng phần tủ của mình thì chị này kêu con vứt bừa cặp xuống đất và bảo với con rằng: “Cứ để đó, chút cô vào dọn!”. Thằng bé ấy được mệnh danh là “anh đại” của lớp, thường hay giành đồ chơi và sẵn sàng đánh bạn nếu không được như ý. Nghe đâu, có một phụ huynh vì xót con đã hẹn gặp trực tiếp chị để trao đổi, nhưng lại bị chị mắng té tát vào mặt! Thử hỏi đứa trẻ ấy sẽ ra sao khi được trưởng thành bằng cách giáo dục như thế?!

2. Giờ ra chơi, tôi nhiều lần bắt gặp hình ảnh từng tốp học trò tiểu học, THCS khoanh tay lễ phép chào thầy cô. Nhưng đáp lại là những cái im lặng, ngoảnh mặt làm ngơ xem như chúng không hề tồn tại, hoặc vả xem đó là một nghĩa vụ mà học sinh đương nhiên phải làm. Nếu là bạn, khi gặp một ai đó bạn niềm nở chào hỏi, còn người kia chẳng màng quan tâm thì bạn sẽ buồn, tổn thương đến độ nào và chắc chắn lần sau khi gặp lại bạn sẽ quyết lòng không chào hỏi nữa. Tình cảm, hành vi ứng xử văn hóa trong học đường cũng vậy, cũng phải được vun đắp, xuất phát từ hai phía: cho đi - nhận lại. Có thật tâm mới nhận lại được thật tâm và cách hành xử chuẩn mực của thầy cô với học trò lâu dần sẽ hình thành trong các em những hành vi đẹp mà các em học hỏi từ chính thầy cô của mình. Bất giác ngẫm lại, những cái lướt qua vô tình khi học sinh THPT, sinh viên “chạm trán” thầy cô, tôi lại cảm thấy buồn vì có lẽ ngày trước các em cũng bị ngoảnh mặt làm ngơ như thế…

3. Dự phúc khảo nhiều chương trình văn nghệ chào xuân mới trong học đường, chúng tôi cảm thấy ái ngại với nhiều trang phục hở hang của cả diễn viên lẫn cổ động viên. Không hiểu sao những bộ trang phục hớ hênh, những tiết mục uốn éo đầy khêu gợi như thế lại được mang lên sân khấu học đường để biểu diễn. Nói ra nhiều người sẽ cho rằng thời nào rồi mà còn phong kiến, cổ hủ như thế, phải để giới trẻ phóng khoáng hơn, thoải mái hơn để hội nhập với những nền văn hóa mới… Nhưng xin thưa đây là môi trường giáo dục và các em chính là học trò, nhiệm vụ chính là học tập chứ không phải là đua đòi hay chạy theo trào lưu thời thượng. Và những tiết mục, những bộ phục trang như thế nên được lọc bỏ ngay, chứ đừng xuề xòa để chúng làm “vấy bẩn” học đường.

4. Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1299 phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” với mục tiêu tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, góp phần xây dựng con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Theo đó đến năm 2020, 100% trường học phải xây dựng Bộ quy tắc Văn hóa ứng xử.

Đề án này được kỳ vọng sẽ cải thiện môi trường giáo dục theo hướng tích cực, chuẩn hóa. Hứa hẹn sẽ là những tín hiệu lạc quan, tích cực góp phần làm giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường, hình thành nên một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh mà ở đó cả thầy lẫn trò đều được trân trọng, tôn vinh.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.