Xây dựng sản phẩm đặc thù để phát triển du lịch

Thứ Tư, 26/09/2018 | 17:30

Du lịch đã được Bạc Liêu xác định là 1 trong 5 trụ cột để tập trung chỉ đạo phát triển. Tiềm năng và sự khác biệt của ngành Du lịch Bạc Liêu trong tương quan so sánh với du lịch vùng ĐBSCL và du lịch cả nước chính là thời cơ để tỉnh từng bước tạo nên thế bứt phá. Tuy nhiên, để hoàn thành những nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Du lịch đến cuối nhiệm kỳ, đảm bảo cho du lịch trở thành 1 trong 5 trụ cột nhằm tăng trưởng kinh tế thì còn khá nhiều việc cần tập trung thực hiện.
Đánh thức tiềm năng
Xác định du lịch văn hóa là thế mạnh so với các tỉnh ĐBSCL, Bạc Liêu đã đầu tư xây dựng thành các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, có sức cạnh tranh trên thị trường. Tiêu biểu nhất là các giá trị văn hóa - lịch sử từ bản “Dạ cổ hoài lang” (DCHL) và nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) với Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Đây là khu di tích về ĐCTT độc đáo nhất hiện nay. Sẽ còn phát huy lợi thế này mạnh hơn nữa nếu có các giải pháp khai thác độc đáo, riêng biệt. Bên cạnh đó, giai thoại về Công tử Bạc Liêu (CTBL) và cụm nhà CTBL luôn có sức hút du khách. Thời gian qua, tỉnh đã chú trọng kêu gọi đầu tư vào khu này để đẩy mạnh khai thác du lịch (trước đây do Công ty TNHH thương mại và dịch vụ - du lịch Cẩm Quyên khai thác. Hiện nay do Công ty Cổ phần dịch vụ - du lịch CTBL, thuộc Tập đoàn Nguyễn Hoàng thực hiện dự án nâng cấp và mở rộng). Nếu được khai thác thành sản phẩm du lịch đặc thù, chắc chắn sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh và sự bứt phá trong bức tranh du lịch Bạc Liêu. Bởi “thương hiệu” CTBL vốn độc quyền và được khắp nơi biết đến. 
Từng bước đánh thức tiềm năng du lịch, nâng cấp các điểm tham quan thành các điểm du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa đã giúp “vốn liếng” du lịch Bạc Liêu ngày một nâng cao về chất và lượng. Bạc Liêu còn có “nguồn tài nguyên” du lịch văn hóa tâm linh có phạm vi ảnh hưởng lớn, không chỉ trong khu vực mà là cả nước! Các khu, điểm du lịch đã và đang được đầu tư phát triển thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách như: Khu Quán âm Phật đài (TP. Bạc Liêu) gắn liền với tín ngưỡng thờ Quan âm Nam Hải của người dân Nam bộ; Nhà thờ Tắc Sậy (TX. Giá Rai) ngày càng trở thành điểm hành hương nổi tiếng trong và ngoài tỉnh; chùa Hưng Thiện (huyện Vĩnh Lợi) cũng là điểm tham quan thu hút khách du lịch với tượng Phật Bà lớn nhất khu vực ĐBSCL. 
Nhận thức về tầm quan trọng của phát triển du lịch đã thấm sâu và lan tỏa đến người dân. Bạc Liêu từng bước tạo lập hình ảnh du lịch Bạc Liêu “Hiếu khách, văn minh, lịch thiệp”, “Du lịch Bạc Liêu - Điểm đến thân thiện”, “Điểm hẹn văn hóa”… Sự đổi mới về công tác quản lý, đột phá trong cải cách thủ tục hành chính mà Sở VH-TT&DL được đánh giá là một trong những lá cờ đầu đã giúp doanh nghiệp, chủ các cơ sở dịch vụ - du lịch tích cực “bắt tay” với chính quyền địa phương, ngành chức năng trong mục tiêu làm du lịch. 
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu lớn đặt ra đến cuối nhiệm kỳ là “phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng”, vẫn còn nhiều nhiệm vụ phải thực hiện. 

* Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu là một lợi thế "độc quyền của du lịch Bạc Liêu.
* Khu Quán âm Phật đài (phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu) thu hút đông đảo khách thập phương đến tham quan, chiêm bái. Ảnh: H.T

Phải có sản phẩm du lịch đặc thù
“Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, tạo những dịch vụ du lịch khác biệt thì Bạc Liêu mới có lợi thế cạnh tranh và kết nối được với du lịch vùng”, đó là khẳng định của Giám đốc Sở VH-TT&DL - Cao Xuân Thu Vân. 
Mới đây, trong chuyến tiếp xúc cử tri tại xã Vĩnh Hưng A (huyện Vĩnh Lợi) Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đã vinh dự đón Giáo sư - Tiến sĩ - Thầy thuốc nhân dân - Anh hùng lao động Nguyễn Anh Trí (thuộc Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội). Khi được hỏi về ấn tượng dành cho Bạc Liêu, GS. Nguyễn Anh Trí đã khẳng định: “Việc Bạc Liêu xây dựng Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu chứng tỏ đẳng cấp văn hóa của người Bạc Liêu rất khác biệt, có tầm cao và có chiều sâu”.
Đó là sự khác biệt của Bạc Liêu so với các tỉnh bạn. Đó cũng là lý do để Bạc Liêu được gọi tên là “Điểm hẹn văn hóa” trong chuỗi sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL. Không được thiên nhiên ban tặng những danh lam thắng cảnh hùng vĩ, Bạc Liêu khiêm tốn mang những vốn liếng được chắt chiu từ thời mở cõi, vun đắp thành lợi thế thu hút khách du lịch về với mình. Bạc Liêu là đất của bản DCHL ra đời và nghệ thuật ĐCTT, vọng cổ cũng đã và đang được thăng hoa ở nơi này. Nhưng nghệ thuật ĐCTT cũng có mặt ở khắp các tỉnh, thành Nam bộ. Thế thì đưa ĐCTT vào phục vụ du lịch phải tính đến yếu-tố-khác-biệt. Bạc Liêu đã có Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ  Cao Văn Lầu, vậy thì biểu diễn ĐCTT tại nơi “độc quyền” đó với cách thức độc đáo sẽ thu hút du khách đến với mình. Hiện nay, khu du lịch này đã bán vé cho du khách vào tham quan. Vậy thì, phải phục vụ như thế nào để họ không tiếc tiền. Sở VH-TT&DL đang chuẩn bị các bước để thử nghiệm việc trình diễn ĐCTT đúng chất tại đây. Đầu tư về bài bản, lớp lang với lời ca phù hợp hơi thở thời đại, chọn điệu thức tạo không khí thư giãn, thoải mái cho du khách mà đảm bảo đúng chất ĐCTT để truyền bản sắc văn hóa đến họ.
Tương tự vậy, cụm nhà CTBL đang được nhà đầu tư thiết kế thành một không gian thời đại CTBL để thu hút du khách. Một bảo tàng thu nhỏ trưng bày những hiện vật có liên quan, khách sạn, khu trung tâm mua sắm được đầu tư chỉn chu, đồng thời phục hồi toàn bộ khu phố người Hoa liền kề… Tất cả ý tưởng độc đáo này nếu sớm thực hiện được sẽ kiến tạo diện mạo mới cho du lịch Bạc Liêu.
Xây dựng Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng là thách thức không nhỏ trong chặng đường cuối nhiệm kỳ. Một số định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù đã được ngành chức năng đề ra. Đó là phát huy sản phẩm du lịch văn hóa gắn với bản DCHL và nghệ thuật ĐCTT, tạo sự khác biệt với các tỉnh, thành phố cùng có nghệ thuật ĐCTT. Xây dựng các ấn phẩm du lịch gắn với thương hiệu CTBL. Khai thác các giá trị văn hóa tâm linh để hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch tâm linh có tính độc đáo, hấp dẫn. Khai thác sản phẩm du lịch tham quan điện gió gắn với hệ sinh thái rừng ven biển. Tạo sản phẩm du lịch tại Quảng trường Hùng Vương gắn kết các công trình văn hóa, nghệ thuật xung quanh quảng trường… 
Trong hành trình xuôi về phương Nam, trong không gian du lịch vùng ĐBSCL, ắt hẳn du khách muốn tìm thấy những nét riêng ở từng điểm dừng chân. Bạc Liêu vốn được đánh giá là vùng đất có đẳng cấp về văn hóa với những di sản văn hóa vật thể lẫn phi vật thể quý giá mà người xưa để lại, người nay lưu truyền. Đó là “của để dành” mà chúng ta phải tích cực khai thác thành sản phẩm du lịch riêng có để câu chuyện phát triển du lịch nối dài những cung đường đẹp, hấp dẫn, mời gọi du khách đến và quay về với mình. 
Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.