Xây dựng Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học: Cần lấy tiêu chí đạo đức làm đầu

Thứ Sáu, 21/09/2018 | 16:19

Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu xây dựng Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học, dự kiến sẽ ban hành trong năm học 2018 - 2019. Đây là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm vì văn hóa ứng xử trong trường học đã và đang gây bức xúc trong xã hội thời gian qua. 

Theo đó, tiêu chí hàng đầu là phải lấy đạo đức làm trọng, phải nêu cao tinh thần “tôn sư trọng đạo” trong ngành Giáo dục.
Theo Bộ GD-ĐT, hiện nay một bộ phận thầy cô giáo chưa được trang bị, chuẩn bị đầy đủ nhận thức và tâm thế trước những tác động “tiêu cực” từ bên ngoài xã hội. Trong chương trình, quá trình đào tạo giáo viên hiện nay vẫn còn để “trống” mảng đào tạo về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng sống cho sinh viên; giáo viên không được bồi dưỡng thường xuyên về phương pháp sư phạm, năng lực chuyên môn… là nguyên nhân dẫn tới có một số thầy cô giáo chưa đáp ứng năng lực và theo kịp sự biến động về tâm lý của học sinh; cá biệt còn có biểu hiện thiếu trách nhiệm, cứng nhắc, chưa chia sẻ với học sinh. Đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn cũng là nguyên nhân dẫn tới việc một bộ phận giáo viên chưa toàn tâm toàn ý với công việc giảng dạy và chăm sóc, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho người học.
Bên cạnh đó, nhiều bậc phụ huynh phó thác con cái cho nhà trường khiến cho mối quan hệ nhà trường - gia đình ở một số nơi còn lỏng lẻo, hay cách ứng xử thiếu chuẩn mực trong một số gia đình đã tác động tới quá trình hình thành nhân cách của các em. Trong đó, giải pháp giáo dục từ gia đình và sự phối hợp quản lý giữa gia đình - nhà trường sẽ là mấu chốt để mang lại hiệu quả tích cực cho quá trình giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Bạc Liêu tặng hoa tri ân các bậc phụ huynh và thầy cô giáo tại lễ tri ân và trưởng thành năm học 2017 - 2018. Ảnh: C.K

Thực tế cũng cho thấy, hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống hiện nay trong các nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của học sinh, sinh viên; vẫn còn mang tính áp đặt của giáo viên mà chưa quan tâm đến tâm lý lứa tuổi của các em hoặc mang tính phong trào.
Chương trình các môn học về đạo đức, giáo dục công dân trong nhà trường còn mỏng về thời lượng, nhẹ về chất lượng, đơn giản về phương pháp, vị thế của môn học chưa được coi trọng đúng mức; các địa phương hầu như chưa coi trọng đội ngũ giáo viên dạy những môn học này; ngay cả tại các trường sư phạm, khoa ngành học đạo đức, nhóm ngành giáo dục công dân cũng bị xem nhẹ hơn những khoa ngành khác. Vì thế, chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ GD-ĐT đang triển khai sẽ theo hướng cân bằng giữa dạy “chữ” và dạy “người”.
Trước mắt, sẽ ưu tiên và cần tập trung ngay vào việc xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học phổ thông, cần thay đổi tư duy khi đưa ra các quy định, đảm bảo các yêu cầu: khả thi, dễ thực hiện, dễ nhớ; quy định rõ những điều cần làm, không được làm; quy định chế tài cụ thể, trách nhiệm của mỗi cấp: trường, sở, địa phương; trách nhiệm của học sinh, giáo viên, phụ huynh…
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT - Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “Đừng quy định chung chung kiểu như học sinh phải ngoan ngoãn, lễ phép mà nên quy định cụ thể để hướng dẫn dễ thực hiện, ví dụ như học sinh gặp thầy cô giáo phải dừng lại, khoanh tay chào, hay giáo viên gặp học sinh phải niềm nở, vui vẻ… Có như vậy thì mọi người dễ hiểu, dễ thực hiện và giám sát, đánh giá mới được”.
Dù Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học được ban hành với những tiêu chí, quy định gì đi nữa thì người dân vẫn hy vọng với trách nhiệm của mình, ngành Giáo dục phải luôn đề cao đạo đức, chuẩn mực của người thầy. Lấy “tôn sư trọng đạo” làm nền tảng, từ đó xây dựng nên những tiêu chí phù hợp với truyền thống văn hóa ngàn đời của dân tộc, vận dụng vào trong công tác “trồng người” hiện nay.
CHÂU KHÁNH

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.